Chiều 12 tháng 7 vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Phi - Trung Đông với chủ đề "Tiềm năng thúc đẩy các sản phẩm nông sản Halal vào thị trường Trung Đông". Hội thảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thông tin, tập quán kinh doanh, chính sách thương mại, và các tiêu chuẩn Halal cần thiết để giao thương tại thị trường này.
Tại hội thảo, Bà Nguyễn Minh Phương- Trưởng phòng Tây Á, châu Phi- Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương cũng nhận định thị trường Trung Đông đang có nhu cầu lớn đối với sản phẩm Halal, đặc biệt là nông sản, do đó đây là thị trường tiềm năng cho hàng hóa nói chung và nông sản Việt Nam nói riêng.
Thống kê cho thấy, tổng giá trị trao đổi thương mại các sản phẩm Halal toàn cầu năm 2022 khoảng 2.300 tỷ USD. Chi tiêu của người Hồi giáo cho thực phẩm khoảng 1.400 tỷ USD; tổng kim ngạch thương mại thực phẩm Halal của các nước thành viên Tổ chức hợp tác hồi giáo (OIC) là 444,7 tỷ USD. Đặc biệt, các sản phẩm Halal được trao đổi chủ yếu gồm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang...
Ngoài các thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal lớn ở Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia hay các nước khác như Bangladesh, Ai Cập, các nước khu vực châu Phi - Trung Đông như Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)... cũng là những thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm Halal.
Hơn nữa, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của các nước Trung Đông - châu Phi kém phát triển, rất nhiều sản phẩm chế biến phục vụ nhu cầu của người dân khu vực này chủ yếu từ nguồn nhập khẩu.
Bà Phương cũng chỉ ra rằng: Do những lợi ích cho sức khỏe, môi trường nên hiện nay nhu cầu về sản phẩm Halal không chỉ phổ biến với những người theo đạo Hồi giáo mà ngày càng nhiều thị trường lớn trên thế giới như: Hoa Kỳ, châu Âu... gia tăng nhập khẩu sản phẩm Halal để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh đó, nếu so với mặt bằng chung giá cả sản phẩm thông thường, giá sản phẩm Halal thường cao hơn từ 5-10% và những người tiêu dùng mong muốn sử dụng sản phẩm Halal sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm này. Vì vậy, thị trường sản phẩm Halal rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác.
Song để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Đông thành công, theo các chuyên gia tư vấn, doanh nghiệp cần nghiên cứu đầu tư nghiên cứu sâu để có hiểu biết sâu sắc về xu hướng thị trường. Cần hiểu đúng về tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa kinh doanh của khu vực này, nắm rõ thị hiếu cũng như những vấn đề nhạy cảm về tôn giáo và văn hóa tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn đặc thù về bao bì sản phẩm và quảng cáo.
Đồng thời, doanh nghiệp nên chủ động gửi mẫu sản phẩm quảng bá, trưng bày tại Thương vụ và Đại sứ quán cũng như tham gia đoàn xúc tiến thương mại sang địa bàn mang theo hàng mẫu, hàng dùng thử quảng bá, kết nối trực tiếp, dùng sảm phẩm của doanh nghiệp làm quà tặng đối ngoại.
Theo VietnamExport (tổng hợp)