Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn Chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam – Bangladesh

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh Shirin Sharmin Chaudhury, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Bangladesh từ ngày 21 – 23/9/2023.

Nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhằm tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Bangladesh trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Bangladesh và Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh (FBCCI) tổ chức Diễn đàn Chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam – Bangladesh.

Diễn đàn có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam; lãnh đạo FBCCI, Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka và trên 250 đại biểu đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước.

Sự hiện diện của đông đảo đại biểu tại Diễn đàn cho thấy sự quyết tâm, mong muốn thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp hai nước.

Việt Nam và Bangladesh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/2/1973. Trải qua 50 năm phát triển, quan hệ hữu nghị giữa hai nước luôn bền chặt, lãnh đạo và nhân dân hai nước luôn dành cho nhau tình cảm thân thiện, với sự tin cậy chính trị cao, là nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Việt Nam xác định Bangladesh là một trong các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Nam Á. Hai bên đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác quan trọng, trong đó có Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Hợp tác kinh tế, thương mại là điểm sáng mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đến nay Việt Nam đang tham gia 16 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP, FTA Liên minh châu Âu - Việt Nam - EVFTA…) với hơn 60 nước và vùng lãnh thổ. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Quốc hội, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế, hệ thống pháp luật có tính khả thi và đồng hành cùng doanh nghiệp, coi sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp là thành công của chính mình… Đó là thông điệp nhất quán mà chúng tôi gửi đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tích cực nghiên cứu, đầu tư vào Bangladesh trong các lĩnh vực như phát triển điện, năng lượng, công nghệ thông tin, sản xuất giày dép, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất giống cây và trồng rau quả, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, phát triển công nghiệp Halal và du lịch, thúc đẩy sớm mở đường bay thẳng giữa hai nước, phấn đấu sớm đạt kim ngạch thương mại giữa hai nước là 2 tỷ USD vào một số năm tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị doanh nghiệp hai bên tích cực trao đổi, thúc đẩy hợp tác ngành nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; nuôi trồng thủy sản (trong đó có ngọc trai) và chăn nuôi, công nghiệp chế biến thực phẩm đóng gói, biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai. Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên trao đổi ký mới bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, gia hạn bản ghi nhớ về hợp tác thủy sản và chăn nuôi. 

Bà Shomi Kaiser - Phó Chủ tịch FBCCI khẳng định điểm nhấn trong quan hệ song phương Việt Nam – Bangladesh là hợp tác thương mại. Tuy nhiên, bà Shomi Kaiser đánh giá quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước hiện chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện hai nước chưa ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), nhưng Bangladesh có thị trường rộng lớn và luôn mong muốn thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh, thương mại trên tinh thần hai bên cùng có lợi.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đại diện cơ quan chủ trì Diễn đàn đánh giá, Bangladesh là thị trường quan trọng tại khu vực Nam Ấ, là đối tác quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường của Việt Nam. Thứ trưởng Phan Thị Thắng mong muốn các doanh nghiệp Bangladesh có thêm nhiều thông tin về thị trường Việt Nam để tận dụng tốt hơn các cơ hội hợp tác giữa hai nước. Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác, là môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài cân nhắc lựa chọn là điểm đến đầu tư, kinh doanh.

Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam ở khu vực Nam Á, thương mại giữa hai nước tăng 4 lần trong vòng 10 năm (từ khoảng 350 triệu USD năm 2012 đến xấp xỉ 1,5 tỷ USD năm 2022), đang hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD mà lãnh đạo hai nước đã đề ra và cao hơn nữa. Hai nước cũng vừa gia hạn Bản ghi nhớ về thương mại gạo thêm 5 năm (đến năm 2027) và cùng với đó có nhiều lĩnh vực hợp tác mà hai nước có thể bổ sung cho nhau.

8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bangladesh đạt 637,7 triệu USD, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu của Việt Nam từ Bangladesh đạt 79,8 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Như vậy, 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu 557,9 triệu USD sang thị trường này. Đặc biệt, Bangladesh là một trong ba thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam sau Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Với vị trí địa lý thuận lợi, Bangladesh được coi là cửa ngõ để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập, tiếp cận và tiếp tục vươn rộng ra các thị trường Nam Á và Trung Đông khác. Ngược lại, các doanh nghiệp Bangladesh có thể thấy tầm quan trọng của Việt Nam để mở rộng thâm nhập vào các thị trường Đông Nam Á khác và sang các nước đối tác mà Việt Nam có Hiệp định Thương mại tự do FTA.

Với rất nhiều tiềm năng lợi thế và thị trường hai nước gần 270 triệu người (Bangladesh 160 triệu; Việt Nam hơn 100 triệu), hai nước Việt Nam và Bangladesh rất cần thiết và hoàn toàn có thể tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi thương mại cho nhau, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp hai nước để duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hình thành và cùng nhau phát triển các chuỗi cung ứng mới, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như dệt may, nông thủy sản (đặc biệt là gạo và lương thực), vật liệu xây dựng, hai nước cần tăng cường hợp tác trong đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng và hy vọng rằng, tại Diễn đàn này, các doanh nghiệp sẽ trao đổi, tìm hiểu, tận dụng các cơ hội hợp tác và đầu tư vào thị trường của nhau. Tương lai quan hệ hợp tác Việt Nam – Bangladesh còn rất lớn phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác năng động, sáng tạo, hiệu quả của chính các doanh nghiệp. Hai bên sẽ cùng nhau viết tiếp chương mới cho 50 năm tiếp theo với những kết quả mạnh mẽ hơn, đột phá hơn, toàn diện hơn, mang lại phồn vinh cho hai đất nước và hạnh phúc của nhân dân hai nước.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác giữa Công ty BMH Việt Nam với Tập đoàn Doreen Group Bangladesh (về hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ và phát triển sản xuất thép tiền chế); Thoả thuận hợp tác giữa Công ty CP Hỗ trợ phát triển Bangladesh Việt Nam với Hiệp hội Dược phẩm Bangladesh (về trao đổi các sản phẩm dược phẩm Việt Nam – Bangladesh); Hợp đồng về thành lập Liên minh du lịch giữa Công ty CP Dịch vụ Hàng không Hương Giang với Hiệp hội Du lịch Bangladesh.

Phiên giao thương tại Diễn đàn thu hút sự quan tâm sâu của các tổ chức và doanh nghiệp hai nước. Gần 40 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam đã có điều kiện tiếp xúc với trên 100 doanh nghiệp Bangladesh, chia sẻ nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư cụ thể trong thời gian tới trong đa dạng các lĩnh vực như: Nông sản, thưc phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin, năng lượng, du lịch, hàng không, dịch vụ tổ chức sự kiện, dịch vụ xúc tiến thương mại và đầu tư…

Tại phiên giao thương đã có hơn 150 lượt giao dịch được thực hiện. Đặc biệt, Công ty CP Thương mại & Truyền thông Key đã làm việc được với 10 doanh nghiệp Bangladesh quan tâm trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm bột trái cây, rau củ theo công nghệ sấy phun tiên tiến và các sản phẩm cà phê của công ty để cung cấp tại thị trường Bangladesh. Công ty CP Đầu tư Development New World giao dịch được với gần 20 doanh nghiệp Bangladesh quan tâm tới các sản phẩm nước giặt, mỹ phẩm chăm sóc da, mì, miến của công ty, đề nghị tới thăm cơ sở sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam để liên kết kinh doanh và hợp tác đầu tư… Một số doanh nghiệp khác từ Việt Nam sang đã thâm nhập được thị trường Bangladesh và cho biết Diễn đàn là cơ hội tốt để doanh nghiệp củng cố vị thế hiện diện và kết nối thêm các đối tác kinh doanh Bangladesh tiềm năng.


 Nguồn:Cục Xúc tiến thương mại

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: