Xuất khẩu tôm năm 2023 dự kiến đạt 3,4 tỷ USD; xuất khẩu cá ngừ lần đầu tăng trưởng dương... những tin nổi bật xuất khẩu tuần 18-24/12.
Xuất khẩu tôm năm 2023 dự kiến đạt 3,4 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, thấp hơn 21% so với năm 2022.
Về thị trường nhập khẩu, Hoa Kỳ là thị trường đơn lẻ lớn nhất, tiếp tục tăng nhập khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 11. Tháng 11/2023, xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng 24% đạt 51 triệu USD, ghi nhận tháng thứ năm liên tiếp tăng trưởng dương. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 640 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, thấp hơn 21% so với năm 2022. |
Đối với thị trường EU, mức sụt giảm trong xuất khẩu sang thị trường này đã nhẹ hơn do nhu cầu cuối năm tăng, lạm phát tại đây cũng đã có phần hạ nhiệt. Tháng 11, xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm 3% đạt 36 triệu USD.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tiếp tục giảm trong tháng 11. Nhu cầu của thị trường này không ổn định, tăng trưởng dương trong 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8, sau đó quay lại đà giảm trong tháng 9, 10 và 11. Tuy vậy, mức độ sụt giảm không mạnh như những tháng đầu năm. Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính.
Xuất khẩu cá ngừ lần đầu tăng trưởng dương kể từ đầu năm
Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 11/2023 tăng 23% so với cùng kỳ, đạt gần 79 triệu USD. Đây là lần đầu tiên trong năm 2023, giá trị xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022.
Tính lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 772 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam được xuất khẩu sang 110 nước trên thế giới.
Xuất khẩu cá ngừ trong tháng 11/2023 tăng 23% so với cùng kỳ, đạt gần 79 triệu USD |
Tính riêng trong tháng 11/2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng này đã góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đóng hộp trong 11 tháng đầu năm 2023 lên gần 235 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ tiếp tục tăng trưởng trong tháng 11, với mức tăng 19% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn không đủ bù đắp lại lượng sụt giảm trước đó nên tính lũy kế 11 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn giảm 35%.
Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, xuất khẩu các nhóm sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp có xu hướng tăng trưởng liên tục trong nửa cuối năm. Đáng chú ý, tính đến hết tháng 11/2023 xuất khẩu các nhóm sản phẩm cá ngừ chế biến khác, trong đó chủ yếu là loin cá ngừ hấp đông lạnh, tăng 23%.
Các chuyên gia VASEP cũng nhận định, xuất khẩu cá ngừ sang Canada cũng có tăng trưởng liên tiếp trong 2 tháng qua. Xuất khẩu sang thị trường này trong tháng 11 tăng “phi mã” 117% so với cùng kỳ.
Tính riêng trong tháng 11/2023, xuất khẩu cá ngừ sang EU tăng 64% so với cùng kỳ. Trong số các nước EU, Italy vẫn tiếp tục tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Cùng với đó, xuất khẩu cá ngừ sang Đức và Italy cũng đã đảo chiều tăng trở lại trong tháng 11.
Xuất khẩu rau quả năm 2023 thu về gần 5,6 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 12 đạt trên 379 triệu USD, tăng 1,8% với tháng trước và tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022; nâng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm 2023 đạt trên 5,573 tỷ USD tăng 65,6% so năm 2022.
Xuất khẩu rau quả năm 2023 thu về gần 5,6 tỷ USD |
Top 10 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Nga.
Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 11 tháng đạt 3,4 tỷ USD, tăng gần 250% về giá trị và 65% về thị phần so với cùng kỳ năm 2022.
Về chủng loại, 2023 là năm chứng kiến quá trình “đổi ngôi” trong ngành rau quả. Vượt qua thanh long, sầu riêng đã trở thành mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất,
11 tháng 2023, xuất khẩu clinker và xi măng của Việt Nam đạt 28,7 triệu tấn
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu clinker và xi măng của Việt Nam trong tháng 11 đạt hơn 2,5 triệu tấn, thu về 101 triệu USD, giảm 6% về lượng và giảm 8,8% về trị giá so với tháng 10/2023.
11 tháng 2023, xuất khẩu clinker và xi măng của Việt Nam đạt 28,7 triệu tấn |
Tính chung 11 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu hơn 28,7 triệu tấn clinker và xi măng, tương đương hơn 1,22 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4% về sản lượng nhưng giảm 2,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2023 đạt gần 42,7 USD/tấn, giảm gần 3% so với cùng kỳ.
Về thị trường, dẫn đầu là Phillipines chiếm tỷ trọng 27,4% về kim ngạch xuất khẩu, thứ hai là Bangladesh (16,5%) và thứ ba là Malaysia (5,1%).
Trong tháng 11/2023, xuất khẩu clinker và xi măng sang thị trường Úc đạt 57.352 tấn, thu về 2,87 triệu USD, tăng mạnh 271% về lượng và tăng 232% về giá trị so với tháng 11/2022.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, Úc đã nhập gần 470 nghìn tấn clinker và xi măng từ Việt Nam, tương đương 23,3 triệu USD, tăng 171% về lượng và tăng 153% về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm đạt 49,8 USD/tấn, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu thủy sản năm 2023 thu về 9,2 tỷ USD
Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ước xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu tập trung vào: Tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD.
Năm 2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,2 tỷ USD. Ảnh hanoimoi.vn |
Ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine kéo dài, giao tranh giữa Israel - Hamas, tình hình bất ổn tại Trung Đông khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm; giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistics cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp; Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam,... khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam không đạt được kế hoạch đề ra.
Theo thống kê của Cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước. Trong số đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương năm trước; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.
Theo Báo Công Thương