7 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng các loại đạt 476,13 nghìn tấn, trị giá 1,6 tỷ USD, tăng 50,5% về lượng và tăng 49,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, xuất khẩu sầu riêng các loại (gồm dạng tươi, đông lạnh, sấy) của Việt Nam đạt trên 76 nghìn tấn, trị giá 280,18 triệu USD, giảm 30,8% về lượng và giảm 30,7% về trị giá so với tháng 6, so với tháng 7/2023 giảm 1,7% về lượng, nhưng tăng 82% về trị giá.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng các loại đạt 476,13 nghìn tấn, trị giá 1,6 tỷ USD, tăng 50,5% về lượng và tăng 49,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này tương với 42% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.
Sầu riêng chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Ảnh: Báo Đầu tư |
Theo các đầu mối tại Tây Nguyên năm nay, giá sầu riêng tăng cao nhờ nhu cầu mạnh từ thị trường Trung Quốc, đặc biệt là phục vụ lễ hội trung thu sắp tới. Điều này dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ còn tiếp tục tăng mạnh những tháng cuối năm.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - Đặng Phúc Nguyên nhận định, đây là một năm bội thu cho ngành sầu riêng, khi giá cả liên tục tăng cao, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân. Đặc biệt, ngày 19/8, Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mở ra bước ngoặt mới cho ngành, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.
Ông Nguyên nhấn mạnh, việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới như sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Điều này không chỉ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực thu hoạch theo mùa mà còn tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, nhất là với những trái không đạt yêu cầu về mẫu mã. Hiện tại, giá một container sầu riêng đông lạnh vào khoảng 5-6 tỷ đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay đạt 3-3,5 tỷ USD, với sầu riêng đông lạnh khoảng 400-500 triệu USD.
Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, trị giá 2,3 tỷ USD, trong đó 90% xuất sang Trung Quốc. Diện tích trồng sầu riêng là 154.000 ha, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính sầu riêng của Việt Nam. Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong nửa đầu năm nay, giá sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc đạt mức 4.760 USD/tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá bình quân nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc từ Việt Nam và Malaysia, nhưng từ Thái Lan tăng.
Thái Lan là nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, đạt 558.300 tấn, trị giá 2,85 tỷ USD, giảm 7% về lượng và giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần sầu riêng của Thái Lan trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc ở mức 67%, thu hẹp so với con số 76% của nửa đầu năm ngoái.
Ngược lại, nửa đầu năm nay, Trung Quốc tăng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam, tăng 46% về lượng và tăng 33,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 273,54 nghìn tấn, trị giá 1,1 tỷ USD.
Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đạt 32,8%, tăng hơn 9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngành hàng rau quả Việt Nam cũng kỳ vọng nhiều vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của trái sầu riêng trong các tháng còn lại năm nay. Việt Nam có lợi thế nguồn cung sầu riêng quanh năm, trong khi hiện nay sầu riêng của các nước như Thái Lan, Malaysia đã cuối vụ.
Theo Báo Công Thương