Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54 tỷ USD: Nhiệm vụ khả thi

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Cùng với kết quả xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt 54 tỷ USD trong năm 2024 là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên để giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng cần tuân thủ tốt yêu cầu của thị trường, tạo tiền đề để đưa nông sản Việt Nam vào nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới mà Việt Nam đã và đang tham gia.

Nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam đã khẳng định thương hiệu tại thị trường châu Á- châu Phi. 	Ảnh minh họa: NT

Nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam đã khẳng định thương hiệu tại thị trường

châu Á- châu Phi. Ảnh minh họa: NT

Sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400 - 500 triệu USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,55 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nông sản chính đạt 2,99 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2023; lâm sản đạt 1,45 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023; thủy sản đạt 900 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Việc Việt Nam kí kết 3 nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, trái dừa tươi và cá sấu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cũng được coi là bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các sản phẩm vừa được ký kết sang thị trường Trung Quốc.

Đáng chú ý, mặt hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2024 đạt 750 triệu USD, tăng 29% so với tháng trước và tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một trong những tháng có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất năm do rơi vào giai đoạn cao điểm thu hoạch sầu riêng tại Tây Nguyên. Nhờ đó, lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định về những cơ hội cho các tháng còn lại của năm, nhiều chuyên gia cho rằng, trong 3 nhóm mặt hàng vừa ký nghị định thư, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%.

"Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400 - 500 triệu USD ngay trong năm 2024 - năm đầu tiên sau khi ký kết Nghị định thư, đưa tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng lên 3,2-3,5 tỷ USD", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm.

Nhiều cơ hội thị trường cuối năm

Bên cạnh những tin vui từ thị trường Trung Quốc, đáng chú ý mới đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được thoả thuận cho chanh leo Việt Nam nhập khẩu vào nước này, thị trường vốn chiếm hơn 20% tổng kim ngạch nông sản xuất khẩu nước ta.

Theo thống kê, Việt Nam hiện là quốc gia có lượng chanh leo xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ đứng sau Peru và Brazil. Trước khi được cấp “visa” vào Mỹ, chanh leo Việt Nam đã được xuất khẩu tới những thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm như Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ.

Ngoài ra, theo Cục Bảo vệ thực vật, từ tháng 8 năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể xuất khẩu trái bưởi tươi sang thị trường Hàn Quốc. Như vậy, sau thanh long và xoài, bưởi là quả tươi thứ ba của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc. Riêng với cà phê, dự báo, xuất khẩu trong ngắn hạn sẽ giảm dần do nguồn cung cạn kiệt, nhưng về dài hạn, xuất khẩu cà phê sẽ phục hồi khi vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025 bắt đầu và nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong mùa lễ hội cuối năm.

Đặc biệt, càng về những tháng cuối năm, nhu cầu lương thực, thực phẩm trên thế giới ngày càng cao, nên các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam càng có nhiều cơ hội lớn để bước vào chu kỳ tăng tốc xuất khẩu, sớm đạt thậm chí là vượt mục tiêu xuất khẩu cả năm.

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, với kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm, cùng với những cơ hội thị trường trong những tháng tiếp theo, xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt được kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp là 54 - 55 tỷ USD. Kết quả này đặt nền tảng cho việc tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp 2024 tương đối vững vàng.

Để giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu trước những biến động yêu cầu nhập khẩu nông sản của các thị trường trên thế giới diễn ra thường xuyên, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, năm 2023, Văn phòng đã tiếp nhận và xử lý 1.164 thông báo về các dự thảo quy định mới, các thay đổi về SPS của thành viên WTO, tăng hơn 20 thông báo so với năm 2022. Trong đó, 821 thông báo dự thảo lấy ý kiến và 343 thông báo bổ sung về dự thảo có hiệu lực hoặc thay đổi thông tin.

Nếu tính riêng dự thảo thông báo thay đổi biện pháp SPS, Nhật Bản có thông báo nhiều nhất với 142 thông báo (chiếm 12% tổng thông báo), tiếp theo là EU 121 thông báo (10%), Mỹ 90 thông báo (8%), Trung Quốc 34 thông báo (3%)... Việc số lượng thông báo SPS ngày càng tăng chứng tỏ thị trường thế giới đang rất quan tâm tới chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, cũng như ngày càng đòi hỏi cao hơn về vấn đề này cũng như các yếu tố liên quan tới tăng trưởng xanh.

“EU là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của nông sản Việt Nam. Đây cũng là một trong những thị trường có nhiều yêu cầu chặt chẽ, khoa học về mặt kỹ thuật. Nếu chúng ta tuân thủ tốt yêu cầu của thị trường EU sẽ là cơ hội để đưa nông sản Việt Nam vào nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới khi mà Việt Nam đã và đang tham gia. Các sản phẩm nông sản, thực phẩm muốn nhập khẩu vào EU phải tuân thủ các quy định của thị trường này đưa ra. Hiện EU chia sản phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu thành 2 loại, ít rủi ro và rủi ro cao. Trong đó, những sản phẩm ít rủi ro, thông qua các đánh giá của EU, sẽ không yêu cầu kiểm soát tại cửa khẩu một cách hệ thống. Ngược lại, sản phẩm rủi ro cao sẽ cần nhiều biện pháp kiểm soát", ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.

Theo Haiquanonline

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: