Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam đang chứng kiến giảm dần thị phần trong 3 năm trở lại đây.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Xuất khẩu dệt may: Chuyển đổi để thích ứng” do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 6/10/2023.
Hội thảo nằm trong chuỗi UEB Research and Sharing của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội do khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế chủ trì về chuyên môn, nhằm tăng cường trao đổi, đánh giá thực trạng xuất khẩu của ngành dệt may, nhìn nhận được các thách thức mà các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đang phải đối mặt, đánh giá những chính sách mà Nhà nước đã triển khai hỗ trợ xuất khẩu dệt may trên thực tiễn; từ đó cần đưa ra thêm các khuyến nghị giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy xuất khẩu dệt may sang các thị trường.
PGS. TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế khai mạc hội thảo |
Tại hội thảo, ông Vũ Việt Thành (Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương) cho biết từ 2020 đến nửa đầu năm 2023, Việt Nam cùng Trung Quốc là 2 nước đánh mất thị phần nhiều nhất tại Hoa Kỳ, trong đó Việt Nam mất 2,7%. Riêng trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam để mất tới 1,3% thị phần tại thị trường này.
Trong khi đó hai nước cạnh tranh với Việt Nam về xuất khẩu dệt may là Ấn Độ và Bangladesh lại có sự cải thiện tại thị trường Hoa Kỳ.
Tại Hội thảo, PGS. TS. Hà Văn Hội, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Trường Đại học Kinh tế) cho biết, hàng dệt may là một trong những mặt hàng chủ chốt, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu nhưng trong thời gian vừa qua, xuất khẩu dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn bởi những thách thức mà các biến động của nền kinh tế thế giới mang lại.
“Đặc biệt, người tiêu dùng ở Mỹ, Nhật Bản, châu Âu cắt giảm mạnh chi tiêu, trong đó có nhóm hàng dệt may, trong khi đây lại là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam”, ông Hội cho biết.
Chia sẻ cùng ông Hội, ông Thành cho biết, các tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may chứng kiến đà giảm mạnh chưa từng thấy với mức 2 con số. Tuy nhiên điều đáng mừng là giai đoạn khó khăn nhất đã qua, ngành dệt may đang trên đà phục hồi mặc dù là còn chậm, có thể phải đợi cả sang năm 2024, do đó, cần tiếp tục phải có những biện pháp chính sách để giúp ngành xuất khẩu trọng điểm này tăng trưởng tốt hơn.
Các chuyên gia trình bày tại hội thảo |
Trong khi đó TS Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương chia sẻ, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thương mại từ nay đến cuối năm. Ngay trong ngành dệt may nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu từ nay đến cuối năm đã, đang thực hiện; Chính phủ và các bộ ngành xem xét đề nghị của doanh nghiệp về việc giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp, tiếp tục tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nội tại các doanh nghiệp cũng cần thực hiện các giải pháp như: tối ưu về cơ cấu mặt hàng để giảm thiếu chi phí, giảm thiệt hại để bảo vệ nguồn lực, linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để đảm bảo đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường, doanh nghiệp cần hợp sức kết hợp với nhau, tránh tình trạng tranh giành đơn hàng trong hiệp hội, dẫn đến việc bị hủy đơn, ép giá, ngoài ra cần tập trung đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, hỗ trợ, đưa ra định hướng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất. Bên cạnh đó, tập trung tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, thời gian gấp, đặc biệt, đẩy nhanh chuyển đổi sử dụng các yếu tố xanh, xơ sợi tái chế.
Cũng tại hội thảo, TS. Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng cần rà soát lại các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã sử dụng như thế nào, từ đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất vì nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được đưa ra nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Ông cho biết Hiệp hội Dệt may và Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành về việc giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp, tiếp tục tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp khó khăn có thể tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.
Các chuyên gia tham dự hội thảo |
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc điều hành, Tổng công ty May 10 và bà Trịnh Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thời trang GenViet đã nêu lên các khó khăn mà hai doanh nghiệp đã gặp phải trong thời gian khó khăn vừa qua. Các khó khăn được nhấn mạnh vẫn là liên quan đến sự sụt giảm các đơn hàng, giá thành nguyên vật liệu đầu vào tăng trong khi giá thành sản phẩm giảm, các yêu cầu về chất lượng cao hơn của các thị trường, bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước cũng giảm sút. Hơn nữa, doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, lãi suất vay cao và thủ tục còn phức tạp…
Với các khó khăn như vậy, cả hai đại diện doanh nghiệp đều mong muốn kiến nghị với đại diện Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt may có thể đưa ra chính sách hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp dệt may.
Trên cơ sở các chia sẻ, thảo luận, hội thảo đề xuất những kiến nghị chính sách phù hợp, xây dựng những giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, thúc đẩy xuất khẩu dệt may Việt Nam sang các thị trường trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới hiện nay.