Thủ tướng chỉ đạo, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, nhất là hàng nông sản cần tranh thủ tối đa sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu.
Nghị quyết 144/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023 vừa được Chính phủ ban hành nêu rõ, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để phát triển, mở rộng các thị trường mới, nhiều tiềm năng.
Theo đó, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, nhất là hàng nông sản cần tranh thủ tối đa sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực trong tháng 8 khi tăng 7,7% so với tháng trước, đạt 32,37 tỷ USD.
Bộ Công thương khẳng định, tháng 8 là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp.
Tuy nhiên, nhu cầu yếu, tăng trưởng chưa có sự đột biến nên so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 vẫn giảm 7,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 9,3%.
Lũy kế 8 tháng 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,7 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm khoảng 26 tỷ USD).
8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của cả ba nhóm hàng đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến giảm 11% (ước đạt 193,45 tỷ USD), nhóm nông thủy sản giảm 0,9% (ước đạt 20,68 tỷ USD), nhiên liệu và khoáng sản giảm 18,3% (ước đạt 2,68 tỷ USD).
Xét theo mặt hàng, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đều sụt giảm như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,5%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 15,4%, hàng dệt may giảm 15%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 10,3%; giày dép các loại giảm 17,6%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 25,4%, thủy sản giảm 25%...
"Các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy xuất khẩu 8 tháng sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau (xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 5,5%; thị trường châu Âu giảm 6,9%; thị trường châu Mỹ giảm 17,8%; thị trường châu Phi tăng 1,1%; châu Đại dương giảm 12%)", Bộ Công thương chỉ rõ.
Trong những tháng cuối năm, xuất khẩu được nhận định có nhiều cơ hội hơn các tháng vừa qua, do một số nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, cầu hàng hóa gia tăng.
Ở trong nước, sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế đang diễn ra tại TP.HCM từ 13-15/9, đang thu hút các nhà mua hàng toàn cầu như Aeon, Uniqlo, Walmart, Amazon, Boeing, Carrefour, Central Group… cùng hàng trăm doanh nghiệp, nhà thu mua quốc tế...sẽ giúp các doanh nghiệp Việt ký kết thêm các đơn hàng mới cho những tháng cuối năm và năm tới.
Viet Nam International Sourcing 2023 không chỉ là sự kiện thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường quan trọng mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm của các doanh nghiệp, góp phần đưa hàng hóa, sản phẩm Việt Nam vươn xa trên thị trường toàn cầu và nhất là thu hẹp đà giảm xuất khẩu của 8 tháng 2023.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương): "Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp Việt sẽ ký kết được nhiều hợp đồng cung ứng hàng hóa cho các nhà mua hàng toàn cầu tới Việt Nam, lắng nghe, tìm hiểu xu hướng tiêu dùng tại từng thị trường, từng phân khúc để có kế hoạch đầu tư, tổ chức sản xuất phù hợp", theo ông Linh.
Ông Giafar Safaverdi, Giám đốc Khu vực Cung ứng Đông Nam Á, Tập đoàn IKEA (Thụy Điển) cho biết: "Việt Nam là một thị trường cung ứng chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của IKEA, nhờ sở hữu năng lực sản xuất ngày càng phát triển, các chính sách tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu".
Năm 2023, xuất khẩu đặt mục tiêu tăng trưởng 6%, và để hoàn thành được mức tăng trưởng này trong bối cảnh xuất khẩu vẫn đang tăng trưởng âm là thách thức lớn cho hoạt động xuất khẩu 4 tháng còn lại.