Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, việc xây dựng Mô hình cửa khẩu thông minh là một vấn đề mới, chưa có tiền lệ, còn thiếu cơ sở pháp lý. Theo đó, Mô hình cửa khẩu thông minh phải đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dữ liệu thông tin với phía Trung Quốc khi thực hiện vận chuyển hàng hóa không tiếp xúc, không gián đoạn.
Ông Vương Vị Băng, Quan trưởng Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) thăm quan nơi tiếp nhận và xử lý thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn). Ảnh: Tô Hà |
Nhiều vấn đề đặt ra
Cục Hải quan Lạng Sơn đánh giá, bản chất Mô hình cửa khẩu thông minh là việc hai nước Việt Nam - Trung Quốc cùng phối hợp xây dựng tuyến đường chuyên dụng XNK hàng hóa độc lập, khép kín tách biệt với đường vận chuyển hàng hoá hiện nay đang sử dụng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình giao nhận hàng hoá XNK.
Việc triển khai xây dựng Mô hình cửa khẩu thông minh áp dụng phương thức vận chuyển hàng hoá không người lái, di chuyển theo tuyến đường cố định, không gián đoạn từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại, kết hợp với các thiết bị cẩu container tự động hoá trên cơ sở định vị vệ tinh và công nghệ 5G. Tất cả các quy trình được điều tiết qua trung tâm chỉ huy và thực hiện trao đổi thông tin qua lại về vận chuyển hàng hoá xuyên biên giới, thực hiện thông quan 24/7.
Hiệu quả khi triển khai thực hiện mô hình được nhận định sẽ đảm bảo duy trì hình thức giao nhận hàng hóa truyền thống kết hợp với hình thức giao nhận hàng hoá qua cửa khẩu thông minh góp phần nâng cao năng lực và hiệu suất thông quan, giải quyết hiệu quả vấn đề ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.
Tuy nhiên, Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng, trước mắt việc xây dựng và áp dụng thí điểm mô hình này sẽ ảnh hưởng đến quy trình giám sát của cơ quan Hải quan đối với hàng hoá, phương tiện chở hàng XNK qua lại biên giới giao nhận hàng hoá, quy định khai báo Bản kê thông tin hàng hoá NK điện tử theo công văn số 1790/TCHQ-GSQL ngày 17/4/2023 của Tổng cục Hải quan.
Đồng thời, khi xây dựng Mô hình cửa khẩu thông minh sẽ phải mở rộng các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hoá XNK của Công ty CP hữu nghị Xuân Cương (tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị) và Công ty CP vận tải thương mại Bảo Nguyên (tại cửa khẩu Tân Thanh). Theo đó, các địa điểm này mở rộng sẽ phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2020/NĐ-CP và được Tổng cục Hải quan cho phép, công nhận.
Bên cạnh đó, việc chia sẻ, kết nối dữ liệu với phía Trung Quốc, trang bị các phương tiện soi chiếu container, cân điện tử, hệ thống nhận diện, giám sát... cần có sự thống nhất với quá trình triển khai Hải quan số với mô hình Hải quan thông minh theo định hướng tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đang được Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện.
Hải quan Lạng Sơn trao đổi về kinh nghiệm với Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) về xây dựng Hải quan số - bước đệm để hướng đến xây dựng mô hình Hải quan thông minh và cửa khẩu thông minh. Ảnh: Tô Hà |
Đề xuất nghiên cứu sâu 2 vấn đề
Cục Hải quan Lạng Sơn xác định việc triển khai Đề án thí điểm xây dựng Mô hình cửa khẩu thông minh là nhiệm vụ trọng tâm đồng thời cũng là thời cơ để tranh thủ sự ủng hộ, nguồn lực của chính quyền địa phương vào công tác triển khai các nội dung cải cách hiện đại hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan; đặc biệt là việc thực hiện Quyết định 2810/QĐ-TCHQ ngày 8/12/2022 của Tổng cục Hải quan về việc phê duyệt “Kế hoạch Cải cách, phát triển và hiện đại hoá Cục Hải quan Lạng Sơn đến năm 2025”.
Với vai trò là Tổ phó Tổ công tác và Tổ giúp việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng Mô hình cửa khẩu thông minh , ông Nguyễn Anh Tài Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, Cục Hải quan Lạng Sơn đã tích cực triển khai các công việc liên quan, tham gia đóng góp ý kiến đối với các nội dung, dự thảo.
Ngoài ra, Cục đã triển khai thoả thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh; xem xét đề cương Đề án triển khai thực hiện thí điểm cửa khẩu thông minh; thống nhất nội dung hoàn thiện dự thảo Đề án triển khai thực hiện thí điểm cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Tân Thanh; công tác xây dựng cửa khẩu thông minh và khảo sát thực địa các cửa khẩu thông minh tại Trung Quốc; trao đổi, thống nhất các nội dung chuẩn bị cho lễ khởi công dự án thí điểm cửa khẩu thông minh Việt Nam - Trung Quốc với Văn phòng cửa khẩu khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc...
Để nâng cao hiệu quả triển khai sau khi Đề án thí điểm xây dựng Mô hình cửa khẩu thông minh khi được Chính phủ phê duyệt, theo ông Nguyễn Anh Tài Hải quan Lạng Sơn đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét thành lập Đoàn công tác phối hợp với Hải quan Lạng Sơn khảo sát thực tế địa điểm bố trí, việc trang bị các trang thiết bị kiểm tra, giám sát phương tiện vận chuyển hàng hoá không người lái (máy soi container, cân điện tử, hệ thống nhận diện, camera giám sát...).
Hướng dẫn việc chia sẻ, kết nối dữ liệu với phía Trung Quốc để thống nhất với quá trình triển khai Hải quan số với mô hình Hải quan thông minh đang triển khai xây dựng của Tổng cục Hải quan. Đồng thời, xây dựng quy trình giám sát đặc thù đối với phương tiện vận chuyển không người lái do quy trình giám sát này phát sinh lần đầu tiên, chưa có tiền lệ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Trung Quốc, ngày 26/6/2023, tại Bắc Kinh, UBND tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Chính phủ Nhân dân khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã cùng thống nhất ký Thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh Việt Nam - Trung Quốc. Theo đó, hai bên đồng ý cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) và tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc). |