Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ gia tăng áp lực khi các nhà mua hàng ngày càng quan tâm đến gỗ có chứng chỉ.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 12,37 tỷ USD; năm 2021 là 14,8 tỷ USD; năm 2022 là 16 tỷ USD; năm 2023 là 13,37 tỷ USD.
Năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai báo có chứng chỉ FSC là 188,01 triệu USD, chiếm 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ; năm 2022 Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai báo có chứng chỉ FSC là 267,78 triệu USD, chiếm 1,7%, tăng 42,4% so với 2021; 11 tháng năm 2023 Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai báo có chứng chỉ FSC 226,85 triệu USD, chiếm 2%.
Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC với số doanh nghiệp có chứng chỉ FSC COC tính đến 1/12/2023 là 1.654 doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Việt Nam có hai nguồn nguyên liệu gỗ có chứng chỉ FSC phục vụ ngành chế biến gỗ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa gồm nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu và từ rừng trồng trong nước.
Kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai báo có chứng chỉ FSC chiếm tỷ lệ nhỏ. Năm 2022, Việt Nam nhập 66,61 triệu USD cho gỗ FSC trong số 3 tỷ USD nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, chiếm 2,2%.
Diện tích rừng ở Việt Nam có chứng chỉ FSC đang tăng lên trong những năm gần đây. Hội đồng Quản lý rừng FSC tính đến hết tháng 12/2023 diện tích rừng có chứng chỉ FSC là khoảng 282.960 ha chiếm khoảng 64% tổng diện tích rừng trồng tại Việt Nam.
Dù vậy, theo ông Trần Lê Huy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định - hiện nguồn cung gỗ FSC rừng trồng trong nước còn hạn chế. Các sản phẩm FSC chủ yếu tập trung đồ nội thất, viên nén và bột giấy.
“Nguồn gỗ trong nước không đủ cho nhu cầu sản xuất đồ gỗ xuất khẩu và cũng chưa có chứng chỉ FSC-FM; trong khi theo yêu cầu của châu Âu và Hoa Kỳ, phải sử dụng 70% nguyên liệu có chứng chỉ FSC, 30% còn lại là gỗ có nguồn gốc”, ông Trần Lê Huy chia sẻ.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới. Các quyết định của nhà mua hàng liên quan về nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, yêu cầu gỗ có chứng chỉ FSC đang tác động lên toàn bộ chuỗi cung.
Hiện nay, tại một số quốc gia phát triển trên thế giới, FSC là chứng chỉ bắt buộc nếu muốn đưa sản phẩm gỗ ra thị trường tiêu thụ. Chính vì thế, để các sản phẩm gỗ Việt Nam có vị thế trên thị trường, đặc biệt là hướng đến thị trường lớn thì các cần phải thay đổi ngay từ lúc này.
Chia sẻ tại Hội nghị Doanh nghiệp FSC châu Á 2023 diễn ra giữa tháng 12/2023, đại điện doanh nghiệp Costco - đơn vị bán lẻ lớn thứ 3 trên thế giới với nhiều các sản phẩm khác nhau trong đó có gỗ và các sản phẩm gỗ - cho hay, các sản phẩm gỗ, giấy, sợi sẽ tác động nhất định đến hệ sinh thái, vì vậy, chúng tôi cố gắng cung cấp các sản phẩm chất lượng, với giá bán ổn định và kinh doanh các sản phẩm có chứng nhận FSC.
Tương tự, là nhà bán lẻ lớn tại thị trường Hoa Kỳ - đại diện Wiiliam Sonam Inc cho hay, doanh nghiệp cũng đặt ra mục tiêu mới đó là đến năm 2025, 50% sản phẩm của doanh nghiệp đưa lên kệ đều được chứng nhận FSC.
Với việc hợp tác, tham gia vào chuỗi cung ứng, Wiiliam Sonam Inc đang cố gắng nhằm tăng cường nhận thức và tiêu dùng sản phẩm có trách nhiệm. Mặt khác, đây cũng là cách để doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vùng nguyên liệu gỗ FSC để đón đầu cơ hội thị trường. Hòa Phát, một trong những công ty phát triển mạnh diện tích gỗ FSC, thông qua liên kết với hộ trồng rừng phát triển sản lượng 15 nghìn tấn/năm, trong đó, tập trung mạnh về gỗ rừng trồng cao su, gỗ teak.
Ngành gỗ đang hướng tới mục tiêu phát triển nguyên liệu đảm bảo hợp pháp, nhằm thực hiện các cam kết và hành động vì mục tiêu net zero vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị COP26. Bên cạnh các yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, việc sử dụng gỗ hợp pháp mà cao hơn là gỗ có chứng chỉ là hướng phát triển bền vững, dài lâu của ngành gỗ Việt Nam.
Theo bà Vũ Thị Quế Anh - đại diện FSC ở Việt Nam, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và cập nhật các tiêu chuẩn, hướng dẫn mới của FSC và xu hướng thị trường, để đảm bảo nguồn nguyên liệu với giá thành phù hợp và chuỗi cung ứng toàn vẹn đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Việc hình thành liên kết chuỗi sẽ góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Bắc Mỹ, Nhật Bản với các yêu cầu ngày càng cao về truy xuất nguồn gốc gỗ như Quy định chống phá rừng của liên minh châu Âu (EUDR) và chứng chỉ FSC.
Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về sản phẩm gỗ có chứng chỉ, bà Vũ Thị Quế Anh cho rằng rất cần sự vào cuộc nhiều hơn của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong việc cân bằng giữa năng lực chế biến và vùng nguyên liệu rừng trồng.
FSC là viết tắt tên của Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế và cũng là một loại chứng chỉ rừng do chính hội đồng này quản lý. Chứng chỉ FSC nhằm xác minh nguồn gốc gỗ, quy trình khai thác, sản xuất theo đúng pháp luật, đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Trong đó, hai chứng nhận quan trọng là FSC- FM (nguyên liệu gỗ có xuất xứ từ những vùng rừng được phát triển bền vững) và FSC-COC (chuỗi khai thác, chế biến đến thành phẩm, xác định nguyên liệu từ rừng đã được quản lý tốt, kết nối trong quy trình sản xuất). |
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam