Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất mà còn phát triển bền vững.
Số liệu thống kê cho thấy, ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics có thể giảm 14% chi phí giao hàng và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%. Ngoài ra, những công nghệ đột phá này cho phép các công ty và nhà cung cấp dịch vụ logistics tối ưu hóa hơn nữa chi phí và tăng năng suất giao hàng bằng cách lập kế hoạch thông minh về tuyến đường để đảm bảo có nhiều lượt nhận và trả hàng.
Dưới đây là phản ánh của của một số doanh nghiệp lớn về vấn đề ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics tại hội thảo ‘‘Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Logistics và Thương mại điện tử hiện đại, bền vững’’.
Ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viettel: Ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong logistics giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viettel |
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghệ logistics, như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Big Data, Blockchain, xe tự hành. Tuy nhiên bên cạnh đó các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức, trước hết là vấn đề pháp lý, do chính sách và văn bản pháp luật trong ngành logistics chưa được thực hiện một cách chi tiết và đồng nhất có thể gây ra sự mơ hồ, đôi khi xung đột trong thực thi.
Bên cạnh đó là hạ tầng giao thông và logistics. Hiện, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải nước ta chưa đồng bộ, không tạo ra hệ thống vận chuyển đa phương thức cần thiết, dẫn đến hạn chế trong trung chuyển hàng hóa giữa các phương thức vận tải.
Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics vẫn gặp khó về quy mô hoạt động, vốn đầu tư, nguồn nhân lực, thiếu kinh nghiệm... gây ra sự khó khăn trong việc cạnh tranh và cung cấp dịch vụ hiệu quả.
Hơn thế là việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Đa số lao động trong các doanh nghiệp nội địa chiếm tỷ lệ từ 93 – 95% nhưng thiếu chuyên môn, không được đào tạo bài bản nên chủ yếu tham gia ở mức độ các chuỗi cung ứng nhỏ như giao nhận, quản lý kho và xử lý vận đơn...
Tuy còn có những khó khăn song cơ hội khi doanh nghiệp áp dụng tự động hóa logistics rất lớn, đó là: Nâng cao hiệu suất làm việc; tiết kiệm nguồn lực tài chính; đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt.
Để đáp ứng nhu cầu, Viettel đã xây dựng hạ tầng logistics, bao gồm: Công viên, trung tâm logistics, kho ngoại quan, cửa khẩu, cảng cạn để kết nối các vùng nguyên liệu, vùng nông nghiệp, thủy hải sản với Hub giao thông đường sắt, đường biển, cảng hàng không và các cửa khẩu để giảm thời gian và chi phí lưu thông hàng hóa.
Trung tâm và công viên logistics của Viettel có 37 vị trí trên toàn quốc. Việc phát triển hạ tầng logistics của Viettel xác định đẩy mạnh trên cả phương diện vận chuyển đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không.
Bà Lê Thị Hoài Thương - Quản lý Đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam: Logistics xanh không chỉ là xu hướng mà còn là trách nhiệm.
Bà Lê Thị Hoài Thương - Quản lý Đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam |
Thúc đẩy phát triển bền vững và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu cần được thực hiện trong toàn chuỗi giá trị từ thượng nguồn (vận hành, sản xuất, logistics) đến hạ nguồn chuỗi cung ứng. Nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu ưu tiên giảm thiểu “dấu chân” carbon bằng cách lựa chọn các phương án, sản phẩm phát thải thấp.
Nestlé đặt mục tiêu giảm 20% phát thải đến năm 2025; giảm 50% phát thải đến năm 2023 và đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0. Để chuyển đổi xanh, Nestlé đã làm việc với các nước, nhà cung ứng, kho vận tải… nhằm giảm “dấu chân” carbon; kết nối giữa các đối tác cung ứng và logistics chiến lược tại Việt Nam để thúc đẩy sáng kiến về giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng xanh, tối ưu hóa trong cung ứng, vận tải và kho vận.
Tuy nhiên, mục tiêu giảm phát thải cần được ưu tiên trong quá trình chuyển đổi, đặc biệt trong việc tối ưu hóa các nguồn lực; chuyển đổi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; có khung chính sách nhất quán, dài hạn, cùng với sự hợp tác của nhiều bên liên quan; sớm có cơ chế và hướng dẫn cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng xanh và phát triển các phương tiện vận tải sử dụng năng lượng xanh tại Việt Nam.
Bà Phùng Thị Thanh Loan, Quản lý cấp cao, Dịch vụ bất động sản công nghiệp, CBRE Logistics & Industrial: Tiềm năng, cơ hội thu hút bất động sản công nghiệp rất lớn
Bà Phùng Thị Thanh Loan, Quản lý cấp cao, Dịch vụ bất động sản công nghiệp, CBRE Logistics & Industrial |
Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội để thu hút bất động sản công nghiệp, xuất khẩu. Quy mô thị trường vận tải và logistics Việt Nam ước tính đạt 45,19 tỷ USD vào năm 2023 và dự báo sẽ đạt 65,34 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) là 6,34% trong giai đoạn dự báo 2023-2029.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam được sự thúc đẩy phát triển từ các công trình hạ tầng.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhiều đơn vị tiếp tục mở rộng phát triển kho/xưởng tại các khu vực, tỉnh thành trọng điểm. Ở miền Bắc tập trung vào các tỉnh/thành như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên. Miền Nam như TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai…
Gần đây, nguồn cung kho/xưởng có chiều hướng tăng trưởng chậm lại nhưng tính cạnh tranh vẫn ở ngưỡng cao. Trong tương lai, việc phát triển bền vững trở thành xu hướng cho các nhà phát triển bất động sản công nghiệp và logistics.
Hiện nay, dịch vụ logistics đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử hiện nay từ 20 - 25%/năm, giới chuyên gia nhận định ngành công nghiệp logistics sẽ có đà phát triển mạnh mẽ. |
Theo Báo Công Thương