Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2023, Trung Quốc chiếm 23% đứng vị trí dẫn đầu, tiếp theo là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi với phóng viên, báo chí xung quanh bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 và những kỳ vọng trong năm 2024.
Năm 2023, ngành nông nghiệp đã đạt được rất nhiều thành tựu, ông có thể chia sẻ về việc này?
2023 là năm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới và trong nước. Riêng ngành nông nghiệp còn phải gánh chịu những khó khăn riêng như: Hạ tầng còn yếu kém; chế biến chưa sâu và chưa toàn diện; dịch bệnh thiên tai, biến đổi khí hậu,… đây là những yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến nông nghiệp. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ.
Xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%, trong đó, riêng sầu riêng thu về hơn 2,2 tỷ USD |
Cụ thể, giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Lúa gạo mặc dù giảm diện tích 9 nghìn ha nhưng năng suất tăng 1 tạ/ha, đem lại kết quả sản lượng gạo cả năm 2023 vẫn đạt 43,5 triệu tấn; thịt các loại đạt 7,79 triệu tấn (cao hơn chỉ tiêu phấn đấu trên 7,3 triệu tấn); ngành chăn nuôi tăng trưởng 5,72%; thủy sản đạt 9,33 triệu tấn, tăng trưởng 3,71%; trồng trọt chưa bao giờ tăng trên 2% thì năm nay tăng 3%; gỗ rừng trồng đạt 33 triệu m3, thu dịch vụ môi trường rừng là 3.200 tỷ đồng. Lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon, thu về 1.200 tỷ đồng. Như vậy, chúng ta có tiềm năng, lợi thế rất lớn về tín chỉ carbon.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, tuy chưa đạt được mục tiêu xuất khẩu đặt ra cho năm 2023 nhưng xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD (cao nhất trong 10 năm qua) tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.
Sáu mặt hàng xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD gồm: Rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2% so với cùng kỳ năm ngoái; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%; cà phê 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%; tôm 3,38 tỷ USD, giảm 21,7%; gỗ và sản phẩm gỗ 13,37 tỷ USD, giảm 16,5%.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, tới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá lại kết quả, tìm ra nguyên nhân, những tồn tại, hạn chế và từ đó đưa ra giải pháp phù hợp để năm 2024 sẽ là năm tăng trưởng và năm 2025 sẽ về đích, đạt đúng mục tiêu mà Nghị quyết đã đặt ra về nông nghiệp nông dân nông thôn.
Năm 2023 là một năm thắng lợi đối với ngành hàng rau quả. Trong năm 2024 Bộ có những định hướng gì để có thể đẩy mạnh xuất khẩu đối với mặt hàng này thưa ông?
Năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiềm năng lợi thế của ngành hàng rau quả là rất lớn, trong đó, có trái sầu riêng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến (ảnh Nguyễn Hạnh) |
Cụ thể, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt trên 2,2 tỷ USD. Hiện, diện tích sầu riêng đạt 112 nghìn ha với sản lượng 840 nghìn tấn, nhưng chúng ta mới thu hoạch ở diện tích trên 60 nghìn ha, còn lại 51 nghìn ha sắp tới sẽ được thu hoạch. Với sầu riêng đông lạnh nếu được ký Nghị định thư với Trung Quốc, giá trị xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng.
Bên cạnh đó, với các giải pháp về hạ tầng được giải quyết, đó là cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ kết nối với Trung Quốc. Cộng với các biện pháp về kiểm dịch được thống nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, cắt giảm được thủ tục hành chính, làm rõ được mã số vùng trồng, mã số đóng gói, thì sản lượng xuất khẩu rau quả sẽ còn tiềm năng, lợi thế tăng trưởng hơn nữa trong năm 2024.
Dựa trên những kết quả của năm nay, bức tranh xuất khẩu năm 2024 sẽ ra sao? Bộ có giải pháp gì để đạt được kim ngạch xuất khẩu 54 – 55 tỷ USD như đã đề ra cho năm 2024?
Có thể thấy, sau nhiều năm tái cơ cấu, quy mô các ngành hàng nông nghiệp đã rất rõ, liên kết ngày càng chặt chẽ. Đấy chính là rủi ro chia sẻ và lợi ích hài hòa, và chỉ có vào các chuỗi thì chúng ta mới có sự phát triển bền vững và nhanh.
Năm 2023, về cơ cấu thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam như sau: Trung Quốc đạt 12,2 tỷ USD, chiếm 23%; Hoa Kỳ đạt 10,9 tỷ USD, chiếm 21% thị phần; Nhật Bản 3,9 tỷ USD chiếm 7%; Hàn Quốc 2,1 tỷ USD và Philippines 2,1 tỷ USD cùng chiếm 4%; EU và các thị trường khác là 21,75 tỷ USD chiếm 41%. Căn cứ vào thị trường, cơ cấu sản xuất để chúng ta thúc đẩy các đối tượng, phát huy được tiềm năng, lợi thế của các thị trường, từ đó về đích.
Riêng với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường 1,4 tỷ dân, với các Nghị định thư được ký kết, chúng ta sẽ có nhưng lợi thế về xuất khẩu; cùng với hạ tầng thương mại giúp trao đổi giao thương 2 chiều thuận lợi hơn; công tác kiểm dịch động vật và thực vật sẽ cắt giảm thủ tục hành chính để đảm bảo thủ tục nhanh hơn và chính xác hơn.
Cùng với các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng lợi thế. Ví dụ như dừa với 194 nghìn ha, sản lượng 1,9 triệu tấn sắp được ký Nghị định thư; 7 doanh nghiệp đã được xuất khẩu yến sang thị trường Trung Quốc với sản lượng trên 200 tấn.
Và khi tất cả các cơ cấu lĩnh vực ngành hàng như: Lâm sản, thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt,... cùng được phát huy một cách đồng bộ, chúng ta tin tưởng rằng quy mô xuất khẩu cùng giá trị xuất khẩu năm 2024 sẽ cao hơn so với năm 2023.
Xin cám ơn ông!
Theo Báo Công Thương