Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị được nhận định đã tạo thêm động lực, niềm tin cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển, nên cần tạo những điều kiện tốt nhất nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình hành động.
Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị. |
Ngày 10/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41 ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (Nghị quyết 41).
Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới hơn 4.300 điểm cầu nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và đội ngũ doanh nhân để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ quan đơn vị.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, tại Nghị quyết 41, Bộ Chính trị đề ra mục tiêu tổng quát là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt.
Tầm nhìn đến năm 2045, việc phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Đức Hiển nêu rõ, Nghị quyết 41 sớm đi vào cuộc sống để góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Về phía Chính phủ, ngay trong ngày 9/5/2024, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41 với việc đưa ra những mục tiêu và yêu cầu cụ thể về giải pháp thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Cơ quan này cũng cần đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI cho hay, Nghị quyết 41 đã tạo thêm động lực, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển và cống hiến. Vì thế, các cơ quan cần tạo những điều kiện tốt nhất thông qua việc cụ thể những nội dung của Nghị quyết 41 thành các chương trình hành động.
Cùng với chương trình hành động của Chính phủ, khoảng 35/63 tỉnh/thành phố, một số ban ngành trung ương và VCCI, Chủ tịch VCCI mong muốn tất cả đơn vị còn lại sẽ quan tâm xây dựng chương trình hành động để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh.
Hiện VCCI đã đề ra các nhóm nhiệm vụ giải pháp và cũng xác định những cơ quan, đơn vị nào sẽ phụ trách triển khai thực hiện như nhóm nhiệm vụ về nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước; chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh…
Chuẩn bị tốt nguồn lực, đổi mới phương thức triển khai Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân; nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Những năm qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc. Vì thế, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết đã đề ra. Trong đó phải chú trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; đề nghị mỗi doanh nhân phải luôn đề cao đạo đức, văn hoá kinh doanh, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần vì cộng đồng, tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước; ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới. Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, triển khai thực hiện; chú trọng theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra; chuẩn bị thật tốt các điều kiện, nguồn lực với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết. |