Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã và đang thực hiện tốt vai trò tiên phong, định hướng trong hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường.
6 tháng đầu năm 2024, theo Ban quản lý Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia (Bộ Công Thương), hoạt động xúc tiến thương mại với nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã được triển khai với định hướng đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu; tăng cường tận dụng cơ hội từ thị trường có Hiệp định Thương FTA; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại liên kết vùng, miền nhằm mang tính bền vững, cân bằng hơn, đảm bảo thị trường ổn định, lâu dài cho hoạt động xuất khẩu, nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế. 6 tháng cuối năm, dự báo hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản... yêu cầu ở các nhà cung cấp, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải thực sự chủ động nắm bắt thông tin, am hiểu thị trường và hoạt động Xúc tiến thương mại là một trong những cách thức hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường trực tiếp nhất.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) |
Do vậy, nửa cuối năm, trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại, Cục trưởng Vũ Bá Phú cho biết, các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do. Trong đó, chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững.
Hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, 6 tháng cuối năm, Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào các hoạt động: Tổ chức, tham gia Hội chợ triển lãm quốc tế tại nước ngoài (như Hội chợ Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Sial Paris 2024 tại Pháp; Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống World Food Moscow 2024 tại Nga... mỗi Hội chợ sẽ có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia); tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế tại Việt Nam cho sản phẩm xuất khẩu (tổ chức Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo 2024) và Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu... quy mô khoảng 200 doanh nghiệp tham gia với khoảng 300 - 500 gian hàng); tổ chức Đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài (dự kiến sẽ có 4 đoàn xúc tiến thương mại và đầu tư tại các nước: Nga, Phần Lan, Pháp, Bỉ, Hà Lan với quy mô từ 10-30 doanh nghiệp/đoàn); Tổ chức Đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và Hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu tại Việt Nam; Tuyên truyền, quảng bá ngành hàng xuất khẩu...
Phối hợp tổ chức Chương trình Thương hiệu quốc gia 2024-2025
Trong 6 tháng cuối năm 2024, trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Bộ Công Thương chỉ đạo, giao Cục Xúc tiến thương mại tổ chức kỳ xét chọn các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia lần thứ 9 (Lễ công bố dự kiến tổ chức vào Quý IV năm 2024), với mục đích xây dựng và phát triển thương hiệu của Việt Nam qua những sản phẩm có chất lượng cao, thể hiện được sự đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong của quốc gia, từ đó nâng cao giá trị các thương hiệu đến từ Việt Nam ở các thị trường quốc tế.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được tổ chức nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu của Việt Nam qua những sản phẩm có chất lượng cao, từ đó, nâng cao vị thế và giá trị của Thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế |
Trải qua 9 kỳ xét chọn, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức về thương hiệu và tăng cường năng lực kinh doanh và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm được chỗ đứng cho thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế.
Cục trưởng Vũ Bá Phú khẳng định, Cục Xúc tiến thương mại cũng sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các doanh nghiệp, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia trên các phương tiện truyền thông quốc tế và tại các địa bàn xuất khẩu chủ lực qua những đề án đang triển khai vào giai đoạn 2024 - 2025, nhằm nâng cao vị thế và giá trị của Thương hiệu quốc gia cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận với khách hàng/người tiêu dùng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu.
Tập trung triển khai hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số
Cùng với việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trong 6 tháng cuối năm, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đối số trong hoạt động Xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1968/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, Cục Xúc tiến thương mại đã và đang phát triển các công cụ, ứng dụng đổi mới phương thức Xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Xúc tiến thương mại để thích ứng và tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hiện nay.
Các Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại hàng tháng cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường |
Trong đó, Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số (DECOBIZ) là nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại gồm nhiều cấu phần nhằm nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh trên môi trường số. Nền tảng số này được phát triển với sự hợp tác của nhiều tổ chức quốc tế như Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và hai sàn thương mại điện tử Alibaba và TikTok Shop.
Hệ sinh thái DECOBIZ hiện đang được xây dựng phát triển tập trung với mục tiêu đến năm 2025, hình thành các cấu phần ứng dụng trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại số (Decobiz) và 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin.
Triển khai nhiệm vụ này, nửa cuối năm Cục Xúc tiến thương mại sẽ tập trung: Quảng bá gian hàng Quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com; Duy trì, quản lý, vận hành hệ sinh thái xúc tiến thương mại số... Và dự kiến trong năm 2025, Cục sẽ tiếp tục: Xây dựng bản đồ tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm Việt Nam xuất khẩu; tổ chức Hội nghị quốc tế chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại và tổ chức Tuyên truyền, quảng bá Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số đến các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Cũng theo Cục trưởng Vũ Bá Phú, trong nửa cuối năm, Cục Xúc tiến thương mại sẽ quảng bá các sự kiện Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, tuyên truyền quảng bá về Chương trình Thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam ở nước ngoài.
Trong năm 2023, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội đã triển khai tổ chức hàng ngàn sự kiện Xúc tiến thương mại cả ở trong và ngoài nước. Nổi bật trong đó là Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại đã triển khai thực hiện 121 đề án trong đó có hơn 80 đề án tập trung vào các hoạt động Xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương theo định hướng đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động Xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, các thị trường mới, thị trường tiềm năng, quảng bá năng lực xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo thống kê sơ bộ, các hoạt động trong Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ hơn 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia hưởng lợi trực tiếp (chưa tính các doanh nghiệp được hưởng lợi thông qua việc tiếp cận từ các phương tiện thông tin đại chúng), hàng trăm hợp đồng, đơn đặt hàng xuất khẩu và hợp tác được ký trực tiếp tại các sự kiện Xúc tiến thương mại với tổng giá trị đạt trên 125 triệu USD. |
Theo Báo Công Thương