Tiêu chí xanh sẽ trở thành 'giấy thông hành' cho doanh nghiệp trên thị trường

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Trong tương lai, tiêu chí xanh sẽ trở thành 'giấy thông hành' cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Những năm gần đây, tiêu dùng xanh đã trở thành xu hướng mới thu hút đông đảo người tiêu dùng, làm thay đổi cơ cấu tiêu dùng của thị trường trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thị trường tiêu dùng xanh cũng đã xuất hiện một số dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, thiếu minh bạch về thông tin.

Để làm rõ những hạn chế, tồn tại và giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường tiêu dùng xanh, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Uỷ ban cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương).

- Thưa bà, trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng xanh đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng tại Việt Nam, bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của xu hướng tiêu dùng này đối với thị trường trong nước?

Bà Nguyễn Quỳnh Anh: Theo số liệu chúng tôi có được, có đến 73% người tiêu dùng tại các đô thị sẽ tìm kiếm thông tin trực tuyến trước khi đưa ra quyết định mua sắm. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy người tiêu dùng ngày càng trở nên thông thái hơn, biết sử dụng các công cụ sẵn có, đặc biệt là các nền tảng thương mại điện tử và công nghệ thông tin để đánh giá, nhận định ban đầu về sản phẩm, dịch vụ trước khi quyết định mua.

Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra yêu cầu rất cao đối với doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và không gây nhầm lẫn. khi bàn về tiêu dùng xanh, một xu hướng đang ngày càng lan rộng thì vấn đề thông tin rõ ràng lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Số liệu từ một cuộc thống kê cho thấy có tới 70% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh và bền vững. Đó là một tín hiệu tích cực.

Có thể nói, xu hướng tiêu dùng xanh đang tác động mạnh đến thị trường trong nước bằng cách thúc đẩy doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất bền vững, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, giảm thiểu bao bì nhựa và phát triển sản phẩm có chứng nhận xanh.

Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, điều này buộc các nhà bán lẻ và nhà sản xuất phải điều chỉnh chiến lược để đáp ứng nhu cầu mới, tạo ra sức ép nhưng cũng mở ra cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp xanh. Đồng thời, xu hướng này cũng góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy hành vi tiêu dùng có trách nhiệm hơn.

Chúng tôi hiểu rằng theo đuổi sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững là một hành trình lâu dài, tốn kém, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt tạo dựng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Trong tương lai, tiêu chí xanh trở thành “giấy thông hành” cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch  Uỷ ban cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương). Ảnh: Nam Nguyễn

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch  Uỷ ban cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương). Ảnh: Nam Nguyễn

- Thị trường tiêu dùng xanh và tiêu dùng an toàn đang phát triển mạnh, nhưng cũng xuất hiện không ít dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. Xin bà cho biết đánh giá tổng quan của Ủy ban về thực trạng này?

Bà Nguyễn Quỳnh Anh: Luật Cạnh tranh 2018, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định 75/2019/NĐ-CP, đã quy định rất rõ các hành vi bị cấm trong cạnh tranh không lành mạnh.

Trong đó có hành vi lôi kéo khách hàng một cách bất chính, thông qua việc đưa ra thông tin sai sự thật, gây hiểu lầm về sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ nhằm làm giảm uy tín của đối thủ hoặc đánh lừa người tiêu dùng.

Điều đáng chú ý là các hành vi này không chỉ bị xử phạt hành chính thông thường, mà còn có thể đi kèm với các hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm.

Quan trọng hơn, các doanh nghiệp vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm: buộc công khai cải chính thông tin sai lệch; loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì, phương tiện kinh doanh; ngăn chặn hành vi tái phạm.

Điều này không chỉ để bảo vệ người tiêu dùng mà còn để đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính được phát triển.

Thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến một số vụ việc được báo chí phản ánh liên quan đến việc cung cấp thông tin sai lệch, quảng cáo gây hiểu nhầm trong các lĩnh vực như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng. Những vụ việc này không chỉ làm tổn hại lòng tin của người tiêu dùng, mà còn làm suy giảm môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Đối với việc sử dụng các sản phẩm xanh, hiện có một lo ngại đặt ra là việc chưa có một định nghĩa đầy đủ về sản phẩm này. Chúng ta vẫn phải loay hoay với câu hỏi như thế nào là sản phẩm xanh?

Một sản phẩm có bao bì màu xanh, một vài dòng chữ định hướng mơ hồ, đôi khi đã đủ để tạo cảm giác an tâm cho người tiêu dùng. Nhưng cảm giác đó có đúng sự thật không? Chúng ta cần phải nói rõ sản phẩm xanh ở góc độ nào, bền vững đến đâu, đóng góp ra sao và hoàn toàn không được tạo ra ảo giác xanh cho người tiêu dùng.

Chính vì vậy, khi được giao chủ trì xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, chúng tôi đã đưa vào luật chính sách về tiêu dùng bền vững, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin rõ ràng, đầy đủ, chính xác, không gây nhầm lẫn, đặc biệt với các sản phẩm được quảng cáo là "xanh", "bền vững".

- Vậy thưa bà, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đang triển khai những chương trình gì để khuyến khích doanh nghiệp theo đuổi mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững?

Bà Nguyễn Quỳnh Anh: Với trách nhiệm được giao, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã và đang xây dựng một khung pháp lý minh bạch để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi của mình, đồng thời doanh nghiệp cũng biết rõ nghĩa vụ của họ trong mối quan hệ thị trường.

Ủy ban cũng triển khai nhiều hoạt động như tổ chức các cuộc triển lãm tiêu dùng xanh ngoài trời và trên nền tảng trực tuyến. Các hoạt động này đã tiếp cận trực tiếp hàng chục nghìn người tiêu dùng và hàng chục nghìn lượt tiếp cận qua kênh online.

Hay như diễn đàn về tiêu dùng xanh và bền vững được tổ chức cũng là nơi quy tụ các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và đại diện doanh nghiệp cùng thảo luận, đưa ra hướng đi cụ thể để thúc đẩy mô hình sản xuất xanh, phân phối xanh, tạo nền tảng cho hệ sinh thái tiêu dùng xanh.

Năm nay, diễn đàn này có chủ đề: "Tiêu dùng xanh – Cùng sống lành", bởi tiêu dùng xanh không chỉ là hành vi mua sắm, mà còn là cách chúng ta lựa chọn sống lành mạnh, có trách nhiệm với sức khỏe bản thân, cộng đồng.

Trong thời gian tới, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công khai thông tin các trường hợp xử lý vi phạm trên các phương tiện truyền thông, để người tiêu dùng có thể nhận diện và đánh giá đúng doanh nghiệp.

Chúng tôi rất mong nhận được sự đồng hành từ các cơ quan báo chí, tổ chức xã hội và chính bản thân người tiêu dùng, trong việc giám sát, phát hiện và phản ánh các hành vi vi phạm tới cơ quan chức năng.

- Với vai trò là cơ quan thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có những khuyến nghị cụ thể nào đối với doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ theo hướng bền vững, minh bạch và thân thiện với người tiêu dùng hiện đại?

Bà Nguyễn Quỳnh Anh: Hiện nay, bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, đầu tư bài bản cho con người, cho quy trình sản xuất, chỉn chu trong việc cung cấp thông tin minh bạch về sản phẩm tới người tiêu dùng, vẫn còn có doanh nghiệp có hành vi lợi dụng kẽ hở pháp lý, đưa ra những sản phẩm gắn mác "xanh" nhưng thực chất là "giả xanh".

Cụ thể, doanh nghiệp cố tình sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, hoặc cách truyền thông để đánh lừa người tiêu dùng, khiến họ nghĩ rằng sản phẩm của họ xanh, thân thiện với môi trường, bền vững trong khi thực tế thì không phải.

Đối với vấn đề này, thời gian qua, chúng ta cũng đã chứng kiến những bước tiến rõ rệt trong việc hoàn thiện khung pháp lý. Quốc hội đã thông qua nhiều luật quan trọng, hệ thống xử lý vi phạm cũng ngày càng đầy đủ bao gồm cả xử lý vi phạm hành chính và hình sự. Ngoài ra, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Bộ luật Dân sự cũng đã tạo ra cơ chế cho các Hội bảo vệ người tiêu dùng có thể đại diện người tiêu dùng hoặc tập thể người tiêu dùng tiến hành khởi kiện khi quyền lợi bị xâm phạm.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng đã thiết lập tổng đài tư vấn và tiếp nhận thông tin phản ánh của người tiêu dùng, hướng dẫn họ cách tự bảo vệ quyền lợi hoặc chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Chúng tôi tin rằng, nếu tất cả các chủ thể từ nhà nước, doanh nghiệp, hội bảo vệ người tiêu dùng, đến chính người tiêu dùng  cùng sử dụng hiệu quả các công cụ pháp lý hiện có, thì doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ có niềm tin và động lực mạnh mẽ hơn để tiếp tục đầu tư vào các quy trình sản xuất xanh, cung cấp các sản phẩm thân thiện môi trường ra thị trường.

Tôi tin rằng, chỉ trong vòng 1–2 năm tới thôi, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm Việt Nam mang thương hiệu xanh, hữu cơ, bền vững được người tiêu dùng yên tâm lựa chọn. Và chính người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ được bảo vệ tốt hơn, đặc biệt là với những sản phẩm có giá trị cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và môi trường sống.

Xin cảm ơn bà!

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: