Việt Nam thời gian qua luôn nhập siêu từ thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Đang có những lo ngại về mức độ nhập siêu tại các thị trường trọng điểm ở khu vực này. Ông Đào Ngọc Chương - Phó vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương đã chia sẻ cùng phóng viên Vietnam Economic News hy vọng phần nào giải đáp rõ hơn những băn khoăn xung quanh vấn đề này.
Việt Nam thời gian qua luôn nhập siêu từ thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Đang có những lo ngại về mức độ nhập siêu tại các thị trường trọng điểm ở khu vực này. Ông Đào Ngọc Chương - Phó vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương đã chia sẻ cùng phóng viên Vietnam Economic News hy vọng phần nào giải đáp rõ hơn những băn khoăn xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, vì sao nhập siêu từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn ở mức cao?
Có nhiều căn nguyên để lý giải việc Việt Nam nhập siêu từ thị trường này. Trước hết, đó là yếu tố lịch sử. Việt Nam mới chuyển từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường và bắt đầu định hướng xuất khẩu. Với đặc điểm khách quan đó, cơ cấu kinh tế Việt Nam chủ yếu là nông nghiệp và gần như hoàn toàn không có ngành công nghiệp hỗ trợ. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của chúng ta chưa đa dạng, mặc dù đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng vẫn chưa có chuyển biến đột phá từ thô sang tinh, mà chỉ có sự chuyển dịch từ nguyên liệu sang bán thành phẩm.
Trong khi đó, hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều có định hướng xuất khẩu, lại có lịch sử đi trước, cơ cấu kinh tế dần đi vào ổn định. Từ chỗ phải đi nhập nguyên phụ liệu thì họ đã dần tự tạo dựng cho mình được ngành công nghiệp hoàn chỉnh để cung cấp nguyên phụ liệu cho sản xuất và xuất khẩu. Nhiều tập đoàn xuyên quốc gia cũng đã thiết lập các cơ sở sản xuất tại các quốc gia, nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những cơ sở sản xuất này không chỉ cung cấp nguyên liệu cho quốc gia sở tại mà cả cho các nước thứ 3 và Việt Nam cũng là một điểm đến.
Thêm đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn là thị trường rất gần gũi về mặt địa lý, thuận lợi cho giao dịch đầu tư và thương mại. Các quốc gia và vùng lãnh thổ có địa lý gần như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan Thái Lan do thuận lợi cho vận chuyển nhanh lại có hàng hóa giá rẻ, mẫu mã phù hợp với ngành sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam nên hầu hết DN Việt Nam đều tận dụng ưu thế này.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào con số nhập siêu để nghĩ rằng ảm đạm hay đen tối thì không đúng. Nhập siêu một phần làm nguyên liệu để phục vụ sản xuất xuất khẩu sang thị trường các nước khác. Nhờ đó chúng ta mới có thể xuất siêu sang thị trường EU, Mỹ…. Các thị trường nhập khấu - xuất khẩu đang bổ sung cho nhau. Thực tế Việt Nam đã từng bước thu hẹp khoảng cách trong xuất và nhập khẩu với thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Việc thu hẹp đó được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Những năm vừa qua, cùng với việc xây dựng nền kinh tế hướng ra xuất khẩu Việt Nam còn áp dụng hình thức khuyến khích phát triển sản xuất để hạn chế nhập khẩu. Biện pháp song song này đã phát huy tác dụng.
Nếu như trước đây chúng ta nhập khẩu, phụ thuộc toàn bộ vật tư sắt, thép, vật liệu xây dựng của nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc thì nay gần như đã chủ động được. Hay với xăng dầu, trước nhập 100%, chỉ xuất dầu thô thì nay bài toán dần được giải khi chúng ta đã khánh thành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Tới đây, một số nhà máy nữa được xây dựng giúp chúng ta cơ bản tự chủ được nguồn xăng dầu.
Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài không những đã giúp nâng cấp hạ tầng cơ sở trong nước, phát triển các ngành công nghiệp mà còn giúp phát triển nâng cao năng lực gia công sản xuất, nâng giá trị và thay đổi cơ cấu hàng hóa. Nếu như những năm 80 hàng hóa chủ yếu là nông sản và hàng lắp ráp đơn giản thì giờ đây trong cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng cơ khí, hàng công nghệ cao và các mặt hàng mới bắt đầu có kim ngạch đáng kể.
Cùng với đó, việc ký một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho thấy Việt Nam đã chủ động hội nhập từng bước. Từ chỗ chủ động hội nhập để nhập nguyên liệu có lợi cho phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu đến chỗ chủ động đầu tư thay thế nguồn nhập khẩu là những bước đi cần thiết và thành quả rất lớn.
Theo ông cần thêm những giải pháp nào để giảm nhập siêu hơn nữa?
Chúng ta đang đi đúng hướng, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã đưa ra 3 chính sách đối với hàng cần thiết nhập khẩu, hàng không cần thiết cần quản lý và hàng cần giám sát quản lý là những mặt hàng xa xỉ, những mặt hàng chưa cần thiết hoặc trong nước đã sản xuất được.
Thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án lớn xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam; Tăng cường phát triển các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu; Xây dựng các biện pháp kỹ thuật về tiêu chuẩn chất lượng, chỉ dẫn, nhãn mác, bao bì…
Cần có chính sách quản lý nhập khẩu qua đường biên mậu tốt hơn để dịch chuyển từ nhập khẩu biên mậu sang nhập khẩu chính ngạch. Tăng cường kinh phí, nâng cao hiệu quả của các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Xây dựng một chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt./.
Xin cảm ơn ông!
Chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu, 60% tổng kim ngạch nhập khẩu, thị trường châu Á - Thái Bình Dương giữ một vị trí quan trọng trong cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và cũng là thị trường nhập siêu lớn nhất. Những thị trường Việt Nam nhập siêu chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản.