Ngày 16.11, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện FNF Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thỏa thuận xanh EU – Tác động tới xuất khẩu Việt Nam, những điều doanh nghiệp cần biết”.
Hội thảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tìm hiểu, tuân thủ và thích ứng với các tiêu chuẩn xanh trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU.
Thị trường EU chiếm tới 12.6% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam
Hiện nay, việc xây dựng nền kinh tế có mức phát thải tối thiểu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn tình trạng suy giảm hệ sinh thái, hay còn gọi là quá trình “chuyển đổi xanh", đang và sẽ là xu hướng tất yếu toàn cầu.
Thị trường Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới trong các nỗ lực chuyển đổi xanh này, đặc biệt là việc thông qua và triển khai Thỏa thuận Xanh EU (European Green Deal từ đầu năm 2020). Đây cũng là một trong những điểm đến quan trọng hàng đầu của xuất khẩu Việt Nam. Vì vậy, việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh sẽ có những tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường này.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho biết, EU là thị trường có sức mua lớn nhất nhì toàn cầu và trước nay luôn nằm trong T0P đầu về kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, song những cơ hội từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU, năm 2022, thị trường EU chiếm tới 12.6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng trưởng 16,7% so với năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức tăng chung đi tất cả các thị trường (10,5%). “Với vị trí như vậy, những động thái của EU trong chuyển đổi xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới một bộ phận không nhỏ của xuất khẩu Việt Nam. Vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu kỹ, theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU”, ông Vinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, khảo sát nhanh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện tháng 8.2023 mới đây cho thấy, có tới 88-93% các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan khác chưa từng biết tới hoặc chỉ nghe nói sơ qua về Thỏa thuận Xanh EU hoặc các chính sách, quy định cụ thể triển khai Thỏa thuận này mà EU đã thực hiện đến thời điểm này.
Nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe được đặt ra
Tại Hội thảo, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập TS. Nguyễn Thị Thu Trang đã trình bày bài Báo cáo “Thỏa thuận xanh EU tác động tới xuất khẩu Việt Nam”. Trong đó, đề cập đến các chính sách xanh EU có tác động đến xuất khẩu Việt Nam. Đơn cử, với nông sản thực phẩm là chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn" với loạt chính sách thắt chặt việc sử dụng nông hóa phẩm, bao bì đóng gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc xanh của sản phẩm nhập khẩu. Với nhóm hàng hóa chế biến chế tạo (như điện tử, công nghệ thông tin, nhựa, dệt may...), kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn mới của EU với 35 nhóm hành động đang được triển khai. Bên cạnh đó, các chính sách đơn lẻ cũng ảnh hưởng trực tiếp tới một số loại sản phẩm cụ thể nhập khẩu vào EU như quy định về chống phá rừng - EUDR (áp dụng cho cà phê, ca cao, gỗ..), hay cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới - CBAM nhằm vào sắt thép, nhôm, xi măng…
Cũng theo kế hoạch, EU đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe khác đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam. Quan trọng hơn, nhiều thị trường xuất khẩu khác cũng đang có dự kiến thực hiện các chính sách tương tự EU. Từ thực tế trên, việc tìm hiểu kỹ, theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU liên quan tới sản phẩm của mình là đòi hỏi cấp bách đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam để duy trì và phát triển xuất khẩu bền vững ở thị trưởng EU nói riêng và nhiều thị trường khác cũng đang có những hành động chuyển đổi xanh theo hướng tương tự.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Thị Thu Trang cũng đưa ra những thuận lợi nhất định và cơ hội lâu dài của các doanh nghiệp Việt Nam khi Thỏa thuận Xanh EU được áp dụng, đơn cử như được tiếp cận “thị trường xanh tiềm năng”; xuất khẩu bền vững đi các thị trường bền vững; tiết giảm chi phí, cải thiện hiệu quả kinh doanh dài hạn; chuyển đổi xanh ở Việt Nam…
Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, đại biểu cùng chia sẻ, trao đổi về thực tiễn của doanh nghiệp và những vấn đề cần chú ý trong việc thực hiện chuyển đổi xanh liên quan đến sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đi EU và mở rộng các thị trường xuất khẩu phát triển khác.