Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường EU tăng trưởng hai con số. Đây là thị trường quan trọng và tiềm năng cho rau quả Việt.
Tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số
Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2022 xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường EU đạt trên 200 triệu USD, thì năm 2023 gần 300 triệu USD. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng hai con số.
Thanh long là một trong những loại trái cây được nhiều doanh nghiệp quốc tế quan tâm |
Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, EU là thị trường đứng hàng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp vẫn tìm cách đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu sang EU để tận dụng tối đa lợi thế về hàng rào thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Do đó, dự kiến năm 2024 tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng rau quả vào thị trường này sẽ đạt con số từ 20% trở lên.
Đây là thị trường khá quan trọng, nếu doanh nghiệp nào xuất khẩu được vào thị trường này thì sẽ dễ dàng xuất khẩu được sang nhiều thị trường khác. Trong tương lai, sẽ nếu các doanh nghiệp đầu tư thêm về công nghệ, kỹ thuật bảo quản tốt hơn, có sản phẩm tốt hơn thì có nhiều cơ hội tăng thị phần tại thị trường EU.
Ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp, Phái đoàn Việt Nam tại EU - cho biết, hàng năm, thị trường EU chi khoảng 300 tỷ USD nhập khẩu nông sản trên toàn thế giới. Trong đó, riêng nhóm hàng rau quả khoảng 60 tỷ USD. Như vậy, tiềm năng rất lớn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Cần vượt rào cản, gia tăng kim ngạch xuất khẩu
Tuy nhiên, theo Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức cho biết, mới đây EU thông báo đưa 5 mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam vào diện kiểm soát khi xuất khẩu vào thị trường này, trong đó lần đầu tiên sầu riêng nằm trong danh sách các mặt hàng bị giám sát tại cửa khẩu của EU với tần suất 10%.
Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) cho biết, ngày 22/1, Ủy ban châu Âu ban EU ban hành Quy định mới số (EU) 2024/331 sửa đổi Phụ lục II và V Quy định (EC) số 396/2005 của Nghị viện và của Hội đồng châu Âu liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL) đối với hoạt chất Oxamyl áp dụng đối với một số nông sản.
Tại quy định mới (EU) 2024/331, EU sẽ áp dụng mức MRL cho phép mức dư lượng Oxamyl trên các loại nông sản ở mức rất thấp là 0,001mg/kg.
EU cũng cho phép áp dụng đối với một số nông sản cho mức MRL cao hơn như: Quả bơ áp dụng ở mức 0,005mg/kg, cà chua 0,002mg/kg; các loại ngũ cốc trong đó có gạo; các sản phẩm động vật MRL là 0,005mg/kg. Duy nhất EU cho phép áp dụng MRL hoạt chất Oxamyl đối với hạt ca cao ở mức mới là 0,01mg/kg. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày 11/5/2024.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam, do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam vào thị trường EU cần thường xuyên theo dõi những quy định mới của EU về MRL, kịp thời kiểm tra, giám sát, điều chỉnh hàng hóa xuất khẩu phù hợp quy định.
Về việc này, ông Đặng Phúc Nguyên cho hay, đây là thị trường đòi hỏi chất lượng khắt khe hàng đầu thế giới. Họ chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm đạt chuẩn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu vào châu Âu.
Vì vậy, khi muốn xuất qua thị trường này, thì các sản phẩm phải đạt được các tiêu chuẩn châu Âu và chứng chỉ quốc tế như rau quả phải trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Đặc biệt, trước khi xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp tập trung kiểm nghiệm, kiểm soát về dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật để tránh việc hàng sang đến nơi bị phát hiện và phải tiêu hủy hoặc trả về. Có như vậy, mới vượt qua hàng rào kỹ thuật để vào thị trường này.
Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã dần dần quen với sự "khắt khe" của thị trường EU và đã có những chuẩn bị để vượt qua được những hàng rào kỹ thuật.
Để đẩy mạnh việc xuất khẩu rau quả vào thị trường EU, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, hoạt động xúc tiến thương mại là hết sức quan trọng, để tăng sự nhận diện sản phẩm rau quả Việt với người tiêu dùng EU.
Ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – khuyến nghị, các đơn vị xuất khẩu cần chủ động tìm hiểu về các quy định xuất khẩu nông sản sang thị trường EU, phải bắt đầu từ giai đoạn sản xuất hàng hóa, chứ không phải sản xuất xong hàng hóa mới tìm hiểu. Bên cạnh đó, khâu thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm phù hợp với thị trường và thân thiện với môi trường cũng cần được quan tâm.
Theo các chuyên gia, hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ ba của Việt Nam và dự đoán trong tương lai gần có thể vươn lên vị trí cao hơn nhờ việc hưởng các ưu đãi theo Hiệp định EVFTA.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần cập nhật thường xuyên và tuân thủ các quy định của EU. Điều này không chỉ giúp cho nông sản Việt tạo được uy tín mà còn là nền tảng để có thể mở rộng, chinh phục thêm các thị trường xuất khẩu trên thế giới, từ đó nâng cao vị thế cho nông sản việt