Sáng 9/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.
Phát triển thương mại biên giới có khởi sắc nhưng còn khó khăn, chưa tương xứng tiềm năng
Sáng ngày 9/12, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.
Đây là lần thứ hai kể từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị này nhằm đánh giá nguyên nhân, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên; đánh giá tình hình triển khai hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Trung Quốc có chung đường biên giới.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; đại diện các Bộ, ngành như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính…; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ có liên quan thuộc Bộ và đại diện lãnh đạo 7 tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc, gồm: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Cấn Dũng |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Chiều dài biên giới đường bộ lên tới gần 400 km, đi qua địa phận của 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Đặc điểm này đã mang lại cho hai nước lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc với thế giới, đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
“Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cuối năm 2022, đã có rất nhiều sự thay đổi trong quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước. Các hoạt động về kinh tế, thương mại nói chung và hoạt động thương mại biên giới nói riêng sôi động trở lại. Nhiều cửa khẩu hoạt động trở lại như trước khi có đại dịch Covid-19”- Bộ trưởng chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số cửa khẩu đã ứng dụng công nghệ, tần suất thông quan tốt hơn và thúc đẩy thương mại biên giới tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương truyền thống giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc được khôi phục với nhiều hình thức đa dạng. Kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên cũng có nhiều khởi sắc, đặc biệt là không khí sống hòa thuận giữa các dân tộc của hai đất nước, hai địa phương thân thiện hơn. Một số dự án đầu tư đã được triển khai ở khu vực này, kể cả đầu tư trong nước cũng như đầu tư của nước ngoài tại khu vực.
Chính vì vậy, tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các địa phương cũng như các bộ, ngành thảo luận, đề xuất những giải pháp để tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước nói chung, đặc biệt giữa các địa phương có chung đường biên giới với nhau.
Ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi trình bày báo cáo tóm tắt tại hội nghị |
Tại hội nghị, trình bày báo cáo tóm tắt về hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc, ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%; nhập siêu ở mức 60,1 tỷ USD, tăng 10,18%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.
Đặc biệt, trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 49,5 tỷ USD (chiếm 17% giá trị xuất khẩu của Việt Nam), tăng 5,13%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 89,3 tỷ USD (chiếm 33,4% giá trị nhập khẩu của Việt Nam).
Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng..., cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.
Báo cáo của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cũng cho thấy, sau đại dịch, tình hình kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc đã có những khởi sắc với những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động thương mại giữa các tỉnh thành khu vực phía bắc với Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Tại Hội nghị, đại diện 7 địa phương biên giới phía Bắc với Trung Quốc gồm Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh đã chia sẻ những kết quả đạt được về tình hình thương mại, đầu tư tại các địa phương ở khu vực vùng biên; tồn tại, hạn chế và phương hướng, nhiệm vụ, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia Bộ Ngoại Giao phát biểu tại hội nghị |
Đề cập những khó khăn và đưa ra một số đề xuất tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết, hiện tỉnh đang gặp một số khó khăn về vấn đề an toàn thực phẩm, khó khăn trong việc kiểm định, kiểm nghiệm và truy xuất nguồn gốc bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận đối với nông sản và thực phẩm khi nhập khẩu vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hiện nay tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai thì chỉ có cửa khẩu quốc tế đường bộ là được xuất khẩu trái cây sang với Trung Quốc. Trong khi đó cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu đã được đầu tư kết cấu hạ tầng tốt nhưng chỉ vận chuyển được hơn 1.000 tấn hàng hóa/ngày và chưa được vận chuyển hoa quả.
Theo đó, đại diện Lào Cai đề nghị Chính phủ hai nước đẩy nhanh việc ký Hiệp định và Nghị định thư về xây dựng cầu đường bộ. Đề nghị Bộ giao thông Vận tải đẩy nhanh kết nối tuyến đường sắt từ ga đường sắt Lào Cai đến cột đường sắt 1435. Đề nghị Chính phủ sớm triển khai tuyến đường sắt đến cột tiêu chuẩn 1435 từ Hải Phòng, Lào Cai kết nối với tuyến đường sắt côn minh của Trung Quốc.
Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính); đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương cũng giải đáp những kiến nghị liên quan đến vấn đề mở, nâng cấp, công nhận cửa khẩu; kiểm dịch động thực vật tại các cửa khẩu đường mòn, lối mở; mở cửa thị trường nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc…
Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại hai chiều, bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia Bộ Ngoại Giao cho biết, thời gian qua, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao đã vận động phía Trung Quốc để hoàn thiện các điều kiện và để bổ sung thêm các cặp cửa khẩu để được xuất nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền Việt Trung, trong đó có cả cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị |
Để giải quyết khó khăn, thời gian qua, thông qua những cuộc trao đổi, về phía Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có những ký kết tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển thương mại cửa khẩu hai nước.
Bên cạnh đó, bà Hường chỉ ra, để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hai nước, cần chú trọng công tác tuyên truyền, kết nối giữa các bộ, ngành, địa phương và với các cơ quan, địa phương ở nước ngoài. Đặc biệt là các chủ trương, chính sách lớn của phía bạn trong lĩnh vực thương mại, giao lưu hàng hóa để phổ biến cho các địa phương. Các địa phương biên giới phải phổ biến, trao đổi, thông báo đến các địa phương, các vùng nguyên liệu, vùng trọng điểm xuất khẩu hàng hóa.
Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các địa phương, Bộ/ngành, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý, bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc thì việc nhập khẩu hàng hóa từ phía Trung Quốc rất quan trọng vì liên quan đến nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi giao thương thông thoáng trong cả xuất khẩu và nhập khẩu; quan tâm đến cơ sở hạ tầng; cơ cấu lại thương mại biên giới và tập trung triển khai một số hoạt động phục vụ cho chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cần nhiều giải pháp đột phá
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong thời gian qua, hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, đặc biệt giữa các địa phương của hai nước có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã có những khởi sắc. Quan hệ hợp tác và phối hợp cộng tác giữa hai bên tiếp tục được củng cố, mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, Tư lệnh ngành Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quan hệ kinh tế, thương mại, nhất là thương mại biên giới. Đó là, trao đổi thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu; xuất khẩu nông thủy sản chủ yếu vẫn là tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định; hạ tầng biên giới còn hạn chế; việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại; việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động của các cửa khẩu cũng mới chỉ mang tính thí điểm, chưa phải phổ biến các cửa khẩu…
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Để thực hiện mục tiêu của lãnh đạo cấp cao hai nước đặt ra, cụ thể là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, nhất là hợp tác kinh tế và thương mại khu vực biên giới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của Lãnh đạo hai nước về hợp tác toàn diện, hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kinh tế thương mại biên giới.
“Chúng ta cần xác định Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, thị trường tiêu thụ lớn, và đây cũng là thị trường cung ứng phần lớn các nguyên liệu cho ngành sản xuất của Việt Nam để xuất khẩu”- Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh và đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động tháo gỡ những khó khăn trong phạm vi thẩm quyền và kịp thời kiến nghị với Đảng, Nhà nước có những chủ trương, giải pháp sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém liên quan.
Bên cạnh đó, quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, nhất là Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao nhằm thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt là kinh tế, thương mại biên giới.
Thứ hai, các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương đánh giá, tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với Trung Quốc nói chung, hợp tác kinh tế - thương mại khu vực biên giới nói riêng để tìm ra nguyên nhân, giải pháp thiết thực, tích cực và khả thi.
Các Bộ, ngành cần tập trung rà soát sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các nghị định, thông tư, các cơ chế chính sách có liên quan và tăng cường giao thiệp với đơn vị đồng cấp nhằm tạo thuận lợi hóa thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Các địa phương cần tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh; Kế hoạch sử dụng đất; Quy hoạch, Kế hoạch đầu tư về hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên, nhất là hạ tầng kinh tế - thương mại biên giới, kể cả hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại số. Đặc biệt là hạ tầng thương mại số các tỉnh vùng biên cần phải quan tâm đầu tư.
“Các địa phương cần tập trung rà soát và hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, hướng tới đồng bộ hóa, nhất là vấn đề giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong vùng theo Quy hoạch vùng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và ban hành những cơ chế, chính sách của địa phương nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực biên giới, nhất là hạ tầng kinh tế thương mại, khu vực biên giới như các chợ, các trung tâm logistics, kho bãi…”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Thứ ba, đề nghị các địa phương tiếp tục chú trọng ban giao tốt hơn với phía bạn. Các Bộ, ngành cần tập trung đề xuất Chính phủ, Ban chỉ đạo Vùng trung du miền núi phía Bắc đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch vùng, trong đó chú trọng Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng giao thông đồng bộ có khả năng liên vận quốc tế giữa các tỉnh khu vực biên giới; đồng thời, chú trọng ban hành những cơ chế, chính sách đột phá, đủ mạnh và khả thi nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế thương mại khu vực biên giới.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện 7 tỉnh biên giới phía Bắc và các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài qua hình thức trực tuyến |
Thứ tư, đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh biên giới khẩn trương rà soát Quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo Đề án xuất khẩu chính ngạch. "Các địa phương đều phải triển khai thực hiện tốt Đề án xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công Thương xây dựng và đã được Chính phủ thông qua”- Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, chú trọng phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường giao thương để doanh nghiệp hai nước có điều kiện tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại đầu tư ở khu vực biên giới.
Thứ năm, đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tăng cường đàm phán với phía bạn nhằm sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch động thực vật cho nông sản có thế mạnh của Việt Nam, đàm phán cấp mới mã số nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam có thế mạnh.
Với Bộ Tài chính, trực tiếp là Tổng cục Hải quan, đề nghị tiếp tục phối hợp các tỉnh biên giới trong việc triển khai xây dựng, áp dụng cửa khẩu thông minh và áp dụng công nghệ trong quản lý các hoạt động thông quan xuất nhập khẩu để nâng năng lực thông qua, đáp ứng được nhu cầu về thương mại biên giới và thực hiện tốt chức năng của mình theo quy định của pháp luật để thuận lợi hóa thương mại khu vực này.
Đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp thúc đẩy mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu, mở mới các văn phòng xúc tiến thương mại tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc.
Bộ Giao thông vận tải cần khẩn trương tham mưu xây dựng các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông biên giới, đặc biệt là hệ thống giao thông đồng bộ kết nối có tính liên vận quốc tế.
Đối với Văn phòng Chính phủ, đề nghị tham mưu Chính phủ cho chủ trương để sớm sửa đổi Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 về quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới cho phù hợp với yêu cầu hiện nay; chủ trương về tái khởi động Chương trình hợp tác phát triển kinh tế qua biên giới đối với nước bạn, cũng như các cơ chế, chính sách có liên quan đến việc tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.
Thứ sáu, đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương tiếp tục duy trì cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên giữa Bộ Công Thương với các Bộ, ngành và địa phương qua đơn vị chức năng; các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam ở Trung Quốc. Đây là những “trung tâm” thu phát thông tin rất quan trọng, có thể cung cấp những thông tin về thị trường, thay đổi trong cơ chế chính sách của phía bạn và cả gợi ý trong phản ứng chính sách để mang lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia, dân tộc.
Cần phải tiếp tục làm tốt công tác thông tin truyền thông về tình hình kinh tế - xã hội khu vực vùng biên nói chung, hợp tác kinh tế thương mại khu vực biên giới nói riêng để tạo đồng thuận trong xã hội.
Theo Báo Công Thương