Đó là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc của Lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu (EP).
Chiều ngày 17/1, tại Trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có cuộc làm việc với ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu. Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp gồm đại diện của Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ và Văn phòng Bộ.
Tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi về tình hình quan hệ thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và EU và các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác trong nhiều lĩnh vực vào thời gian tới.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ), thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) của Việt Nam.
Năm 2023, suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu hàng hóa tại EU sụt giảm đã tác động đáng kể đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực thị trường này.
Năm 2023, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các nước trong khu vực châu Âu ước đạt 72,3 tỷ USD, giảm 5,3% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 53,3 tỷ USD, giảm 4,7% và nhập khẩu ước đạt gần 19 tỷ USD, giảm 6,8%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường châu Âu trong năm 2023 ước đạt 34,3 tỷ USD.
Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về tình hình thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), trong đó có các nội dung liên quan đến tiếp cận thị trường, thương mại và phát triển bền vững và một số nội dung khác hai bên cùng quan tâm.
Dự kiến trong năm 2024, theo thứ tự luân phiên, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức phiên họp Ủy ban Thương mại (cấp Bộ trưởng) lần thứ tư và các phiên họp của các Ủy ban chuyên môn trong khuôn khổ Hiệp định.