Hàn Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh bất ổn chính trị trong nước gia tăng sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật.
![]() |
Bất ổn chính trị khiến Hàn Quốc lao đao. |
Sau khi Quốc hội bỏ phiếu luận tội Tổng thống thất bại, ông Han Dong Hoon, lãnh đạo đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền cho biết sẽ thúc đẩy việc từ chức của ông Yoon Suk Yeol. Trong khi đó, đảng Dân chủ đối lập chính đã kêu gọi Tổng thống Yoon từ chức ngay lập tức.
Bất ổn chính trị đồng nghĩa các vấn đề kinh tế quan trọng đang chờ được xử lý đã bị gạt sang một bên, trong đó có cuộc đàm phán về kế hoạch ngân sách, trị giá 677.000 tỷ won (475,4 tỷ USD) năm 2025 và thông báo sắp tới của Chính phủ về định hướng chính sách kinh tế - vốn được coi là kim chỉ nam cho các ngành công nghiệp Hàn Quốc về cách vượt qua môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Han Duck Soo đã kêu gọi xử lý nhanh chóng đề xuất ngân sách, đồng thời cam kết sẽ vận hành một hệ thống khẩn cấp để theo dõi chặt chẽ thị trường tài chính và tiền tệ. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok tuyên bố: "Hệ thống kinh tế của Hàn Quốc rất vững chắc, với các biện pháp ứng phó của Chính phủ đang hoạt động hiệu quả". Ông cho biết thêm rằng Chính phủ có kế hoạch hợp tác trực tiếp với các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế, cử các đoàn đại biểu hợp tác tài chính tới các tổ chức và quốc gia quan trọng trên toàn cầu và tổ chức các buổi họp báo cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường chứng khoán và ngoại hối, thước đo dự báo tình hình kinh tế, đã bị ảnh hưởng nặng nề sau “cú sốc” chính trị trong tuần đầu tiên của tháng 12. Việc sử dụng các công cụ chính sách phù hợp để ổn định thị trường tài chính sẽ là nhiệm vụ quan trọng, nhằm ngăn chặn sự biến động lan sang nền kinh tế thực. Điều này đặc biệt quan trọng khi đồng nội tệ của Hàn Quốc đang phải chịu áp lực giảm giá do đồng USD mạnh lên.
Giới phân tích dự báo thị trường chứng khoán của Hàn Quốc sẽ đi xuống trong những ngày cuối năm nay, do bất ổn chính trị đang gia tăng áp lực đối với thị trường - vốn chịu nhiều căng thẳng do sức cạnh tranh yếu kém của các ngành xuất khẩu chủ lực như chất bán dẫn và pin thứ cấp, cũng như chính sách thuế quan cứng rắn của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Trên thực tế, ngay sau khi Tổng thống Yoon tuyên bố thiết quân luật ngày 3/12, giá trị đồng won đã rơi xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua, khi chạm mức 1.430 won đổi được 1 USD. Các ngân hàng đầu tư lớn đã hạ dự báo của họ về tăng trưởng của kinh tế Hàn Quốc. Ngân hàng Citigroup cắt giảm ước tính tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc cho năm 2025 từ 1,8% xuống 1,6%. Trong khi đó, các ngân hàng UBS, Nomura và JP Morgan đã điều chỉnh hạ dự báo của họ xuống còn lần lượt 1,9%, 1,7% và 1,7%.
Rõ ràng, bất ổn chính trị leo thang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Hàn Quốc vốn đang gặp khó khăn. Tình trạng hỗn loạn chính trị hiện nay đang khiến Hàn Quốc phải trả giá, khi các dự luật lớn, bao gồm cả dự luật tương tự như Luật Khoa học và CHIPS của Mỹ, đang bị kẹt tại Quốc hội vì các đảng đối lập tiếp tục bị cuốn vào tranh cãi liên quan đến thiết quân luật. Nếu không được kiểm soát đúng mức, bất ổn có thể làm gián đoạn hoạt động của Chính phủ và gây quan ngại, nguy hiểm hơn, bất ổn chính trị ở Hàn Quốc có thể gây ra sự tính toán sai lầm từ Triều Tiên, kéo theo nguy cơ bùng nổ chiến tranh.