Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM), thường được biết đến với tên gọi “Thuế biên giới carbon”, là chính sách áp đặt các khoản phí đối với hàng hóa nhập khẩu căn cứ vào khối lượng khí nhà kính (mà chủ yếu là carbon) phát thải ra môi trường trong quá trình sản xuất hàng hóa đó. CBAM được xem là một trong các chính sách tiêu biểu cho xu hướng thúc đẩy xuất khẩu xanh, thương mại bền vững và chuyển đổi sản xuất hướng tới mục tiêu trung hòa phát thải khí nhà kính (net-zero) ở nhiều quốc gia.
Từ ngày 01/10/2023, CBAM EU giai đoạn đầu chính thức có hiệu lực và trong bước chuyển tiếp (từ 01/10/2023 đến 31/12/2025), nhà nhập khẩu 06 nhóm hàng hóa thuộc diện điều chỉnh (gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro) sẽ chỉ phải khai báo mức độ phát thải của hàng hóa mà chưa phải nộp bất kỳ khoản thuế/phí nào.Do vậy, CBAM giai đoạn chuyển tiếp được nhận định chưa ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU.
Tuy nhiên, với yêu cầu về khai báo mức độ phát thải, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu các sản phẩm liên quan sang thị trường EU cần theo dõi và xây dựng báo cáo lượng phát thải theo đúng quy định. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cung cấp thông tin về cả lượng phát thải trực tiếp (được tạo ra trong quá trình sản xuất) và lượng phát thải gián tiếp (được tạo ra trong quá trình sản xuất điện, sử dụng để sản xuất hàng hóa) tích hợp trong sản phẩm. Thêm vào đó, nghĩa vụ báo cáo được yêu cầu thực hiện thường xuyên mỗi quý (không muộn hơn một tháng sau khi kết thúc quý). Các yêu cầu này đặt ra thách thức về chi phí tuân thủ không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp liên quan khi xuất khẩu sang thị trường EU.
Ở giai đoạn đầu áp dụng CBAM, trong số 06 nhóm hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh, Việt Nam hiện mới chỉ xuất khẩu 04 mặt hàng (nhôm, sắt thép, xi măng và phân bón) vào thị trường EU và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này vẫn còn tương đối hạn chế. Theo số liệu năm 2022 của ITC Trademap, kim ngạch 04 nhóm này chỉ chiếm khoảng 6,5% tổng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, trong đó phần lớn kim ngạch là sắt thép (chiếm 90%) và nhôm (chiếm 8,6%). Tuy nhiên, với riêng sắt thép và nhôm, kim ngạch xuất khẩu vào EU chiếm hơn 19% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này của Việt Nam ra thế giới. Do đó, mặc dù CBAM EU giai đoạn đầu chưa ảnh hưởng đáng kể tới xuất khẩu Việt Nam nói chung nhưng lại có tác động mạnh tới xuất khẩu các ngành hàng liên quan (đặc biệt là sắt thép và nhôm).
Việc thực thi CBAM tất nhiên sẽ đặt ra thách thức rất lớn về chi phí tuân thủ đối với các doanh nghiệp liên quan. Mặc dù vậy, nhìn theo hướng tích cực, CBAM có thể tạo động lực để thúc đẩy sản xuất xanh, bền vững tại Việt Nam. Các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Việt Nam sẽ buộc phải xây dựng các phương án, lộ trình giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất nếu muốn duy trì khả năng cạnh tranh và xuất khẩu bền vững sang các thị trường đối tác. Đây cũng là một bước đi tất yếu nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 của nước ta.
Theo VietnamExport (tổng hợp)