Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 tỷ USD năm 2024 và đạt 10 tỷ USD thời gian tới.
Rau quả là điểm sáng trên thị trường xuất khẩu Việt Nam trong thời gian qua. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến rau quả Việt Nam ngày càng được thị trường ưa chuộng và có cơ hội đạt được kim ngạch xuất khẩu kỷ lục trong năm nay?
Rau quả Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Nguyên nhân do chất lượng rau quả ngày càng nâng cao nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt được nhiều tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, Global GAP. Rau quả Việt ngày càng khẳng định được chất lượng, sự tươi ngon, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, kể cả các thị trường khó tính.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Ảnh: TTXVN) |
Khí hậu nhiệt đới cùng đất đai màu mỡ cũng giúp Việt Nam có được nhiều loại rau quả khác nhau với hương vị tươi ngon đặc trưng. Sầu riêng – loại trái cây đang giữ vị trí “ngôi vương” xuất khẩu rau quả Việt là ví dụ. Giá cả của rau quả Việt cũng rất cạnh tranh so với rau quả cùng loại của các quốc gia khác. Đây là cơ hội cho rau quả Việt Nam chinh phục người tiêu dùng ở nhiều thị trường.
Đặc biệt, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện rất thuận lợi cho rau quả xuất khẩu.
Ngoài ra, chúng ta đã đạt được kim ngạch xuất khẩu kỷ lục nhờ các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương đã nỗ lực thương lượng, ký kết các FTA. 16/19 FTA đã được ký kết, có hiệu lực cùng các nghị định thư với các thị trường quan trọng đã mở ra cơ hội cho rau quả được giảm thuế nhập khẩu, tạo điều kiện thâm nhập sâu vào các thị trường, đặc biệt thị trường có nhu cầu lớn, các thị trường mới nổi như: Trung Đông, Nam Á, Ấn Độ…
Việt Nam cũng có lợi thế khi nằm sát với thị trường Trung Quốc - là thị trường rau quả lớn nhất thế giới với nhu cầu hàng năm lên đến 20 tỷ USD. Vị trí địa lý gần gũi giúp chi phí logistics của rau quả Việt ở mức thấp, thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang thị trường này.
Sầu riêng đang là loại quả mang về kim ngạch lớn nhất cho rau quả Việt (Ảnh: TTXVN) |
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là rau quả Việt Nam chỉ toàn cơ hội. Thách thức cũng xuất hiện do sự cạnh tranh gay gắt với rau quả của các nước có cùng điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp luôn đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu để giữ vững thị phần. Các rào cản kỹ thuật cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm. Để xuất khẩu đi các thị trường xa như Mỹ, EU đòi hỏi công nghệ bảo quản tốt.
Với lợi thế sẵn có và sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp, người nông dân… rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được kim ngạch cao. Năm 2024, dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt được con số 7 tỷ USD. 5 năm tới, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt hơn 10 tỷ USD.
Rau quả Việt Nam đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực và được nhiều thị trường trên thế giới biết đến. Song hiện nay, Việt Nam vẫn thiếu một thương hiệu rau quả đủ mạnh. Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là gì?
Việt Nam có tiềm năng lớn trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất rau quả. Nhưng việc thiếu thương hiệu là thực tế. Nguyên nhân do sự thiếu liên kết trong sản xuất. Do vùng sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ, nông dân sản xuất nhỏ, thiếu liên kết nên khó tạo ra vùng sản xuất lớn. Bên cạnh đó, việc thiếu các hợp tác xã mạnh, chưa đủ khả năng tập hợp nông dân để hỗ trợ kỹ thuật nên chất lượng rau quả xuất khẩu chưa ổn định. Nhiều sản phẩm rau quả chưa đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, công nghệ sau thu hoạch chưa hiện đại.
Ngoài ra, thương hiệu chưa được xây dựng bài bản do thiếu sự đầu tư cho thương hiệu. Công tác nhận diện thương hiệu còn yếu, người tiêu dùng ngoài nước còn chưa biết về thương hiệu rau quả Việt.
Hạ tầng chưa đồng bộ, đường xá chưa phát triển, kho bãi, kho lạnh… chưa có nhiều dẫn đến khó khăn cho phân phối sản phẩm.
Để khắc phục tình trạng này, cần xây dựng vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện người dân liên kết sản xuất rau quả đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Đồng thời, hỗ trợ HTX về vốn, kỹ thuật, tạo điều kiện để các HTX tham gia chuỗi giá trị.
Các cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp cần phối hợp xây dựng thương hiệu, quảng bá trên các kênh truyền thông trong và ngoài nước. Công tác xúc tiến thương mại thời gian qua đã rất được quan tâm, gần đây nhất là Lễ hội trái cây được Bộ Công Thương chủ trì tổ chức ở Bắc Kinh – Trung Quốc. Thời gian tới, rất cần những sự kiện như vậy tiếp tục được tổ chức.
Ngoài ra, cần tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường xá, kho bãi, cơ sở chế biến. Phát triển kênh phân phối hiện đại, sàn thương mại điện tử; tạo điều kiện để phát triển thương hiệu, giúp xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.
Trước vai trò quan trọng của thương hiệu đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã triển khai những giải pháp ra sao nhằm hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của doanh nghiệp?
Thời gian qua, Hiệp hội đã trao đổi với doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu bằng cách tìm hiểu, xác định đâu là khách hàng mục tiêu? Họ cần gì, muốn gì? Thương hiệu đại diện cho điều gì? Giá trị cốt lõi ra sao?
Bên cạnh đó, xây dựng kênh truyền thông, website là kênh chính thức, đồng thời sử dụng mạng xã hội để tương tác với khách hàng. Doanh nghiệp cũng cần tạo ra nội dung marketing chất lượng qua các bài viết, video; Tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ để thu hút khách hàng; Xây dựng danh sách email gửi các thông tin khách hàng để quảng bá sản phẩm…
Doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh tương tác với khách hàng. Về dịch vụ khách hàng, cần đáp ứng nhanh chóng chuyên nghiệp các yêu cầu của khách hàng. Cập nhật các chương trình giảm giá thu hút sự chú ý khách hàng. Tạo ra cộng đồng khách hàng rộng lớn.
Ngoài ra, Hiệp hội hỗ trợ cho doanh nghiệp hợp tác với những người có ảnh hưởng trong xã hội để quảng bá sản phẩm; tạo ra bài viết chuyên sâu, tham gia các sự kiện triển lãm, hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước..
Nói chung xây dựng thương hiệu đòi hỏi quá trình lâu dài. Nó không có công thức mà đòi hỏi doanh nghiệp phải vừa làm, vừa học hỏi thêm các sản phẩm, thương hiệu ở nước ngoài. Từ đó tìm ra được hướng đi riêng cho mỗi doanh nghiệp.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản là việc không hề dễ dàng, đòi hỏi không chỉ vốn mà còn cả công nghệ, nhân lực và ý chí quyết tâm của doanh nghiệp. Vậy theo ông, các cơ quan chức năng và lãnh đạo các địa phương cần giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu?
Để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, các cơ quan chức năng cần tạo môi trường kinh doanh, cải thiện hạ tầng giao thông điện nước viễn thông để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, minh bạch, công bằng để thu hút nhà đầu tư trong ngoài nước
Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về vốn, đào tạo để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Phát triển, đầu tư đào tạo nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động; hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động. Có chính sách thu hút nhân lực, đào tạo nhân tài để phục vụ xây dựng thương hiệu.
Các cơ quan chức năng cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Xây dựng các sàn giao dịch điện tử, tạo nền tảng để doanh nghiệp kết nối khách hàng, đối tác, nhà cung cấp trong và ngoài nước.
Song song với đó, xây dựng, quảng bá sản phẩm địa phương theo hướng tạo sự khác biệt, cạnh tranh. Ví dụ như Chương trình OCOP để quảng bá, xây dựng thương hiệu địa phương. Quảng bá hình ảnh địa phương qua marketing để thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt, cần chính sách bảo vệ thương hiệu địa phương như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn hàng giả hàng nhái…
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Công Thương