OECD đánh giá: “Nếu cuộc xung đột lan rộng toàn khu vực Trung Đông, kinh tế thế giới sẽ đối mặt nhiều nguy cơ tăng trưởng chậm lại đồng thời gia tăng lạm phát.”
Kinh tế thế giới trong năm 2024 có thể sẽ “hạ cánh mềm,” tức tăng trưởng chậm lại so với năm 2023.
Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng kinh tế thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cuộc xung đột Hamas - Isreal có thể làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế thế giới trong ngắn hạn.
Đây là nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra ngày 29/11.
Trong báo cáo mới nhất về viễn cảnh kinh tế thế giới, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023 xuống còn 2,9%, giảm nhẹ so với mức 3% đưa ra hồi tháng Chín.
Cảng hàng hóa ở Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Về tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024, OECD giữ nguyên mức dự báo từng đưa ra trước đó là 2,7%.
Đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, không tính đến năm đầu tiên xảy ra đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, đến năm 2025, kinh tế thế giới có thể sẽ khởi sắc hơn, với tăng trưởng đạt mức 3%. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào xu hướng giảm dần của lạm phát và các nền kinh tế ở khu vực châu Á duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh.
Giải thích về việc “hạ cánh mềm,” OECD nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong 2 năm tới sẽ chậm lại ở mức vừa phải.
Tuy nhiên, OECD vẫn thận trọng trước những dự báo nói trên, viện dẫn những diễn biến địa chính trị thế giới, đặc biệt là cuộc xung đột Hamas-Israel hiện nay.
OECD đánh giá: “Nếu cuộc xung đột lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông, kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ tăng trưởng chậm lại đồng thời làm gia tăng lạm phát.”
Đối với Mỹ, OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2023 lên mức 2,4%. Kinh tế Mỹ sẽ suy giảm trong năm 2024, đạt 1,5% trước khi hồi phục vừa phải lên mức 1,7% vào năm 2025.
OECD dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng euro (Eurozone) trong năm 2023 và 2024 lần lượt ở mức 0,6% và 0,9%.
Kinh tế Anh tăng trưởng chậm chạp trong năm 2023, dự kiến ở mức 0,5% trước khi dần khởi sắc trong các năm 2024 và 2025, với mức tăng trưởng lần lượt là 0,7% và 1,2%.
Đối với các nền kinh tế châu Á, Nhật Bản được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2024, xuống còn 1% từ mức 1,7% trong năm 2023.
Sau đó, nền kinh tế thứ ba thế giới này được dự đoán sẽ tăng nhẹ lên mức 1,2% trong năm 2025. OECD nâng dự báo tăng trưởng đối với Trung Quốc, với mức 5,2% trong năm nay.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tăng trưởng trung bình của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2023 là 0,6%. Trong đó, Thụy Điển được cho là một trong những nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất khối.
Ngày 29/11, số liệu chính thức cho thấy kinh tế Thụy Điển rơi vào suy thoái trong quý III/2023 khi tăng trưởng kinh tế giảm 0,3% và người tiêu dùng thắt chặt “hầu bao” trong hơn một năm qua.
Theo TTXVN