Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ cần quan tâm đến việc đảm bảo các quyền sở hữu trí tuệ để đối phó với tình trạng hàng giả, hàng nhái.
Trong những năm qua, hoạt động tăng cường, hoàn thiện khung khổ pháp lý, hướng tới nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đã có những đóng góp quan trọng, trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dựa trên đổi mới sáng tạo.
Thực tế cho thấy, vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, không chỉ trong hoạt động kinh doanh trong nước, mà còn đối với hoạt động xuất khẩu, đặc biệt đối với những thị trường có quy định và tiêu chuẩn cao, về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, điển hình như thị trường Hoa Kỳ.
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Những vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ" |
Quyền sở hữu trí tuệ có tính chất lãnh thổ, được bảo hộ theo quốc gia, lãnh thổ. Đối với doanh nghiệp, khi triển khai các hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, cần quan tâm đến các hoạt động cụ thể để đảm bảo các quyền sở hữu trí tuệ tại những thị trường đó. Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng sẽ giúp doanh nghiệp có cơ sở để đối phó với tình trạng hàng giả, hàng nhái.
Trong quá trình đăng ký thương hiệu tại thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý đến phạm vi đăng ký của sản phẩm, hay nói cách khác, chiến lược nhãn hiệu của doanh nghiệp phải phù hợp, đồng bộ với chiến lược kinh doanh và những quy định của pháp luật, về thương hiệu của nước sở tại khi đăng ký nhãn hiệu. Nhiều tiền lệ đáng tiếc đã từng xảy ra, như bị thu hồi lại nhãn hiệu đã được đăng ký vì lý do chậm triển khai sử dụng nhãn hiệu...
Trong trường hợp doanh nghiệp bị đơn vị khác đánh cắp thương hiệu đã đăng ký hợp pháp tại thị trường nước ngoài, các cơ quan chức năng sẽ có những hỗ trợ về thông tin, để giúp doanh nghiệp, tiến hành các hoạt động pháp lý để thực thi quyền bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu và phục hồi quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp tại những thị trường này. Để chủ động thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các công ty thực hiện các chính sách nội bộ mạnh mẽ, tăng cường hợp tác với chính quyền địa phương và sử dụng công nghệ để giám sát và phát hiện vi phạm.
Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực nâng cao năng lực thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện thực thi pháp luật về đăng ký giám sát cũng như nâng cao nhận thức, đào tạo giáo dục cho cộng đồng, doanh nghiệp. Việc tham gia vào các hiệp định song phương hoặc đa phương cấp quốc gia nhằm thúc đẩy hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các quốc gia có thể giúp ngăn chặn các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ.
Link Tọa đàm:
https://drive.google.com/file/d/1qlK-_Qpd0oG5X-LCXdAYWt3lvoja3izt/view?usp=sharing
Theo Báo Công Thương