Do tháng 6 là cao điểm của mùa du lịch hè nên hoạt động thương mại diễn ra sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2024 ước tính tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 6 ước đạt 522,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước do doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng. Trong quý 2, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.558,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với quý trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%).
Trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,2% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 37,1%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 2.398,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,9%); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng ước đạt 356,4 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm ước đạt 29,4 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước do các địa phương ngay từ đầu năm đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút khách trong nước và quốc tế. Doanh thu dịch vụ khác 6 tháng ước đạt 314,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
6 tháng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,2%. Ảnh minh hoạ: Hồng Yến |
Đại diện Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) nhận định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhờ có sự đóng góp lớn của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành. Cụ thể, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,8 triệu lượt khách, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa trong nước tăng. Trong đó, số người Việt Nam xuất cảnh 6 tháng đầu năm nay tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023, theo đó đã tác động lan tỏa tích cực đến các ngành: dịch vụ lưu trú; ăn uống; vận tải và dịch vụ du lịch lữ hành.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên mức tăng thấp hơn 2,7% so với cùng kỳ năm 2023, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước 6 tháng đầu năm nay phục hồi, nhưng vẫn thấp.
Để góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024, cần triển khai tích cực đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp, như triển khai các chính sách giảm thiểu tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng lương cơ sở áp dụng từ ngày 1/7, tránh tình trạng “tát giá theo mưa”. Đồng thời, giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp; bình ổn giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ. Ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, kết hợp đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt là các chương trình kết nối cung, cầu trên nền tảng số, thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hoạt động du lịch thông qua việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao du lịch, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2024. Đồng thời triển khai các hoạt động kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế.
Theo Haiquanonline