Đến hết tháng 11 năm 2023, xuất khẩu rau quả chế biến đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Hải quan. Đây là lần đầu tiên rau quả chế biến của Việt Nam đạt mức xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Những năm gần đây, sản phẩm rau quả chế biến luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng ổn định, và ghi nhận mức tăng mạnh trong năm 2020 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, mức tăng bình quân 19,5%/năm, từ 400 triệu USD năm 2016 tăng lên 798 triệu USD năm 2020.
Trước đó, trong năm 2022, xuất khẩu rau quả chế biến cũng lần đầu tiên đạt 1,014 tỷ USD, tỷ trọng rau quả chế biến chiếm 29,47%. Như vậy, năm 2023 sẽ là năm thứ 2 giá trị xuất khẩu mặt hàng này vượt 1 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, loại chế biến hiện chiếm khoảng 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường chuộng mặt hàng này của Việt Nam. Gần đây, Trung Quốc mở thêm cửa cho các trái cây chế biến, đông lạnh, bên cạnh các sản phẩm tươi, giúp tiêu thụ mặt hàng này tăng so với mọi năm.
Sản phẩm chế biến từ xoài, chanh leo, hạnh nhân, hạt dẻ cười... tăng trưởng 22-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trái cây đóng hộp, nước ép đóng chai cũng được Nhật Bản, Mỹ, châu Âu ưa chuộng.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay xuất khẩu chế biến tăng mạnh là nhờ nguồn cung dồi dào khi các thị trường lớn ngày càng mở cửa cho nông sản chế biến từ Việt Nam.
Trong 3 năm qua, giá trị xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam sang thị trường này tăng 30-45% mỗi năm, theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ. Tương tự, tốc độ tăng trưởng mặt hàng này tại EU bình quân 10-20% một năm.
Tuy vậy, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng trái cây tươi được chế biến vẫn chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 4,5 triệu tấn (tương đương 14%) sản lượng thu hoạch hàng năm, 31 triệu tấn. Hiện, các cơ sở chế biến bảo quản trái cây đang dần được nâng cấp nhưng vẫn ở quy mô nhỏ, nên xuất khẩu sản phẩm chế biến thấp so với tiềm năng của thị trường.
Để khắc phục khuyết điểm và nâng cao lợi thế, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đề xuất, thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương quy hoạch khu chế biến và có chính sách khuyến khích đầu tư; hỗ trợ về nguồn vốn cũng như chuyển giao công nghệ...
Ðặc biệt, cần có các hỗ trợ về vốn, kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết hiệu quả và bền vững tại vùng nguyên liệu; Tăng cường quản lý vùng trồng, quản lý chất lượng vật tư, cây giống và cả quá trình sản xuất, chế biến để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Vietnamexport (tổng hợp)