Logistics xanh là giải pháp giúp các doanh nghiệp vừa đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững.
Logistics xanh là xu thế tất yếu
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, logistics xanh đang nổi lên như một giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp vừa đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường, vừa nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững.
Nhiều chuyên gia kinh tế và giới nghiên cứu trong lĩnh vực logistics nhận định, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nếu các doanh nghiệp không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành dịch vụ logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải” ra khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu.
Nói về xu thế này, ông Ngô Khắc Lê, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, logistics xanh vẫn đang là một khái niệm tương đối mới, chưa được hiểu đầy đủ và chính xác. Vì vậy, để thúc đẩy logistics xanh, nhằm tăng trưởng toàn diện và bền vững tại Việt Nam, điều quan trọng là phải hiểu bản chất và vai trò của logistics xanh.
Ông Ngô Khắc Lê - Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam. |
Theo đó, những năm qua, biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, logistics xanh đang trở thành một xu hướng tất yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại Việt Nam, mặc dù ngành logistics đang phát triển mạnh mẽ, nhưng việc ứng dụng logistics xanh vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do thiếu sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của logistics xanh, cùng với đó là sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và công nghệ tiên tiến. Các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với chi phí đầu tư ban đầu cao và rủi ro liên quan đến sự thay đổi trong quy trình vận hành.
Ông Lê Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải Vàng cho biết, nếu các doanh nghiệp không nhanh chóng thực hiện được các tiêu chí về môi trường và logistics xanh thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ dần bị ''đào thải'' ra khỏi các hoạt động kinh doanh và thương mại.
"Đây là yêu cầu của cả thế giới về một xu hướng chung. Đặc biệt, các doanh nghiệp của Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh lớn, từ một số thị trường mới nổi; các doanh nghiệp khối dệt may, giày da mất nhiều đơn hàng bởi các doanh nghiệp bên Bangladesh, các nước châu Âu họ sử dụng các công nghệ về sản xuất xanh, yêu cầu giảm thải, chất lượng cao hơn về mặt môi trường. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần chú trọng vấn đề này", ông Hà cho biết.
Ông Ngô Khắc Lê, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết thêm, hiện nay, nhận thức về logistics xanh còn hạn chế, đặc biệt ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp hiểu sai về khái niệm này, cho rằng chỉ cần trồng cây xanh trong doanh nghiệp là đủ. Thực tế, logistics xanh đòi hỏi những thay đổi sâu rộng trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ vận tải, quản lý kho bãi đến bao bì và đóng gói.
Áp dụng logistics xanh mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế và môi trường. Đầu tiên, nó giúp giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng và nguồn tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái. Thứ hai, nó giảm chi phí vận hành và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, đồng thời hưởng ứng các chính sách ưu đãi của chính phủ như ưu đãi thuế, tín dụng hay hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, các công ty áp dụng logistics xanh thường được đánh giá cao về trách nhiệm xã hội, cải thiện mối quan hệ với cộng đồng và thu hút khách hàng có ý thức về môi trường.
Làm gì để thúc đẩy logistics xanh?
Theo đó, để phát triển xu hướng này, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào logistics xanh, giảm thuế, hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh. Ngoài ra, cần tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo và chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng về tầm quan trọng của logistics xanh.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, như cảng biển xanh, hệ thống giao thông thông minh và kho bãi thân thiện với môi trường. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các mô hình logistics xanh tiên tiến từ các nước phát triển.
Doanh nghiệp trong nước phải đẩy mạnh công tác đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; triển khai mạnh mẽ hoạt động logistics xanh, logistics thông minh và logistics phục vụ hiệu quả trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Logistics xanh là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp. |
Theo Tiến sỹ Nguyễn Tiến Minh, Chuyên gia nghiên cứu về logistics khuyến nghị, phát triển logistics xanh bao gồm nhiều hoạt động, như cải tiến các phương tiện vận tải sử dụng nhiều nhiên liệu và thải ra môi trường khí thải độc hại, nâng cấp chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông, chuyển đổi từ vận chuyển đường bộ sang đường thủy, đường sắt; sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường hoặc ít phát thải khí carbon và vận hành hệ thống vận tải một cách tối ưu là những giải pháp quan trọng để xanh hoá hoạt động vận tải.
Để phát triển dịch vụ logistics xanh, bền vững, các doanh nghiệp cần tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ logistics quốc tế, tập trung vào các thị trường khu vực ASEAN, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ La tinh bên cạnh các thị trường truyền thống.
"Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; triển khai mạnh mẽ hoạt động logistics xanh, logistics thông minh và logistics phục vụ hiệu quả trong xuất nhập khẩu hàng hóa như nông sản Việt. Đặc biệt, các doanh nghiệp logistics cần tiếp tục phấn đấu các chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra trong Quyết định số 221/2021 về kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến 2025", Tiến sỹ Nguyễn Tiến Minh chia sẻ.