Trung Quốc là thị trường lớn nhất của nông sản Việt. Tuy nhiên, thị trường này ngày càng khó tính, đòi hỏi doanh nghiệp phải kịp thời bắt nhịp.
Sáng 6/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn Khoa học và Công nghệ SUTECH tổ chức Hội thảo hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc.
Dù có tiềm năng nhưng gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Vĩnh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh Lào Cai có gần 200km biên giới với 3 cặp cửa khẩu, do đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Lào Cai là hết sức quan trọng. Đáng chú ý, Lào Cai còn là cửa ngõ quan trọng trong kết nối hàng hóa nhiều địa phương khác xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Hội thảo hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc |
Trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu tỉnh Lào Cai đạt con số 1,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 600 triệu USD với nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm chiếm vai trò chủ đạo.
“Đến thời điểm này, các sản phẩm hàng hóa như quế và sản phẩm từ quế của địa phương cơ bản xuất khẩu. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm gần như 100% tinh dầu quế của Lào Cai, ngoài ra là các sản phẩm như dược liệu, thảo quả, sa nhân, chè, chuối”, ông Nguyễn Quang Vĩnh cho biết.
Hiện thị trường Trung Quốc đang yêu cầu nâng cao chất lượng, mã số vùng trồng, quy trình chăm sóc thu hoạch phải đảm bảo an toàn thực phẩm, đây là điểm khó đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong việc xuất khẩu sang thị trường này. Đây là lý do khiến nông sản Việt Nam nói chung và của Lào Cai nói riêng mặc dù có tiềm năng nhưng gặp khó khi xuất khẩu sang thị trường này.
Thông tin về công tác quản lý nhà nước về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, bà Cao Thị Hòa Bình - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai – thông tin, đến năm 2023, Lào Cai đang còn 13 mã số vùng trồng và 7 mã cơ sở đóng gói đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Về một số khó khăn trong việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, bà Cao Thị Hòa Bình cho hay, yêu cầu về tiêu chuẩn của nước nhập khẩu (Trung Quốc) đối với các mặt hàng nông sản ngày càng khắt khe, thường xuyên thay đổi gây khó khăn nhất định cho địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình cập nhật thông tin cũng như việc áp dụng thực hiện.
Việc cấp mã số vùng trồng mới đi vào hoạt động nên nhận thức của một số chủ thể còn hạn chế; công tác quản lý mã số vùng trồng còn khó khăn. Một số địa phương, tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung vào công tác mở rộng số lượng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến việc tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của nước nhập khẩu.
Một số ngành, hàng chủ lực của tỉnh hiện nay có ưu thế xuất khẩu lớn nhưng chưa có tên trong Nghị định thư và Lệnh 248, Lệnh 249 (như: dứa, dược liệu...), riêng ngành hàng quế có diện tích sản xuất lớn song vẫn chưa kiểm soát chặt chẽ về vùng trồng (chưa có hướng dẫn cụ thể về cấp mã số vùng trồng cho cây quế) vì vậy mặc dù một số địa phương có đề nghị cấp mã số vùng trồng cho cây quế song chưa thể thực hiện được do chưa có hướng dẫn.
Việc quản lý mã số vùng trồng cho các tổ chức, các nhân doanh nghiệp, HTX mới chỉ dừng ở việc thực hiện theo hướng dẫn, việc nắm bắt và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế…
Doanh nghiệp không thể xuất khẩu nếu không hiểu thị trường
Tại Hội nghị, bà Phan Thị Mến – Giám đốc Công ty Tư vấn khoa học và Công nghệ SUTECH đã giới thiệu tổng quan về Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc, các khó khăn của doanh nghiệp khi áp dụng thực tế xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc và các nước Mỹ, Ấn Độ; hướng dẫn quy định cụ thể đối với một số mặt hàng tiêu biểu của Lào Cai như: sắn lát, gia vị (quế, hồi,...), chè, chuối, dứa, dược liệu… sang thị trường Trung Quốc.
Bà Phan Thị Mến cho hay, sau 30 tháng thực hiện lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc, hiện Việt Nam đã đăng ký được hơn 3.000 mã số xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và được phân thành các nhóm ngành hàng và đưa về các các cơ quan chuyên môn của Bộ, ngành quản lý.
Riêng với Lào Cai, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được một số mặt hàng nông sản như chuối, sắn, thảo quả… Tuy nhiên, nhiều nông sản tiềm năng của tỉnh chưa tiếp cận được với thị trường Trung Quốc, việc xuất khẩu nông sản sang các thị trường trên thế giới còn hạn chế do nhiều nguyên nhân như chính sách nước bạn thay đổi, doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm được thông tin kịp thời của nước nhập khẩu…
Dẫn chứng về vấn đề này, bà Phan Thị Mến cho hay, năm vừa rồi chúng tôi tư vấn cho khoảng 500 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong quá trình đi tư vấn, có một doanh nghiệp xuất khẩu rất lớn, doanh thu hàng vài chục nghìn tỷ một năm làm hồ sơ xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu chỉ với lý do không chứng minh được nguồn nước mà doanh nghiệp sử dụng. Nếu doanh nghiệp cố tình không tuân thủ sẽ rất khó có thể tham gia vào cuộc chơi xuất khẩu.
“Với thị trường Trung Quốc, thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi, nếu các doanh nghiệp không nắm bắt được thông tin, chính sách thì doanh nghiệp sẽ phải đi sau”, bà Phan Thị Mến khuyến nghị.
Sản phẩm quản lý theo Lệnh 248, ở góc độ tư vấn SUTECH cũng hoàn thành được nhiều hướng dẫn cho các đơn vị trong ngành hàng để có thể xuất khẩu thành công sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh việc hoạt động tư vấn công ty cũng nhận được nhiều vướng mắc của doanh nghiệp.
“Với việc phối hợp thường xuyên của đơn vị tư vấn và các sở ban ngành, ở một số tỉnh nhất là các tỉnh có đường biên giới thuận lợi giáp danh Trung Quốc cũng có chung những nỗi băn khoăn về quy trình đăng ký sản phẩm, những thay đổi của thị trường Trung Quốc, những quy định và yêu cầu cần thiết để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc và các nước khác trên thế giới”, bà Mến cho hay.
Chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc chính là giải pháp quan trọng nhất để xuất khẩu chính ngạch đạt hiệu quả cao cũng như mở cửa được cho nhiều mặt hàng khác vào thị trường này thời gian tới.
Do đó, về phía địa phương, ông Nguyễn Quang Vĩnh cho hay, sẽ tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung có chất lượng được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn tiên tiến (VietGAP, hữu cơ, HACCP, ISO 22000...) phục vụ xuất khẩu nông sản.
Tăng cường liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị nông sản phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nâng cao chất lượng và giá trị cạnh tranh của nông sản.
Theo Báo Công Thương