Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn về thị trường, bao gồm cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước.
Chuyên đề 1 của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra sáng 19/9 tập trung thảo luận tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng vào các vấn đề như khả năng hấp thụ vốn, chính sách tài khoá, tiền tệ và các chính sách khác giúp doanh nghiệp vượt khó và tăng cường năng lực nội sinh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn |
Trao đổi bàn tròn tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, có nhiều ý kiến tại Diễn đàn cho rằng, chưa bao giờ các doanh nghiệp Việt Nam khó khăn như tại thời điểm hiện nay và đặc biệt những tháng đầu năm 2023, thậm chí còn khó khăn hơn cả trong thời gian có đại dịch Covid-19.
"Đối với các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cũng như kinh doanh tại thị trường nội địa, khó khăn nhất hiện nay của họ là về thị trường, đầu ra" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Theo Thứ trướng Đỗ Thắng Hải, từ cuối năm 2022 và đặc biệt là đầu năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tổng cầu suy giảm, lạm phát cao ở các nước phát triển, nhất là ở các thị trường chúng ta có thế mạnh xuất khẩu như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc…
Đồng thời, việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và hàng tồn kho ở mức cao sau đại dịch Covid -19 khiến đơn hàng nhập khẩu hàng hoá của các thị trường xuất khẩu chính của nước ta sụt giảm...
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương theo chỉ đạo của Chính phủ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp hết sức cụ thể.
Trước hết, Bộ Công Thương thường xuyên, kịp thời theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn mà chúng ta đang xuất khẩu để kịp thời đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ để có các phản ứng chính sách phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và các đại biểu tham dự Diễn đàn |
Thứ hai, Bộ tăng cường và đổi mới công tác về xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phố biến và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các thế mạnh, những ưu đãi trong các FTA như Hiệp định CPTPP, EVFTA, các cam kết mới với Anh, UAE và chuẩn bị các điều kiện để khai thác ưu đãi FTA với Israel để đẩy mạnh xuất khẩu. Đối với các thị trường khác như Trung Quốc, Châu Phi, Bộ Công Thương cũng có kế hoạch xúc tiến thương mại vào các thị trường này.
Cảnh báo sớm về biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, đặc biệt là các nước đang có kim ngạch xuất khẩu lớn... để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó.
“Chúng tôi đánh giá rất cao các Đoàn công tác của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong đó có Đoàn của Chủ tịch Quốc hội đã hỗ trợ rất nhiều và mang lại hiệu quả hết sức thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ.
Đặc biệt, triển khai hoạt động Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (Outsourcing) từ ngày 13-15/9 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.
Thông qua Diễn đàn xuất khẩu “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” và Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing Expo 2023 với quy mô 300 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như: Thực phẩm, Dệt may, Giày dép, ba lỗ, túi xách, Đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất, công nghiệp hỗ trợ...
Sự kiện vừa qua cũng thu hút sự tham gia đông đảo của các tập đoàn lớn trên thế giới như: Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thụy Điển), LuLu (UAE)…
Các tập đoàn này đã đến trực tiếp và gặp rất nhiều các doanh nghiệp Việt Nam và kết quả bước đầu hết sức khả quan, nhiều hợp đồng đã được ký kết, nhiều giao dịch được đưa ra. Chúng tôi nghĩ rằng đây là biện pháp hết sức thiết thực, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ 120 doanh nghiệp tham gia Hội chợ ASEAN-Trung Quốc (CAEXPO) tại Nam Ninh, Trung Quốc, đưa khu gian hàng Việt Nam lớn thư 2 Hội chợ (chỉ sau chủ nhà Trung Quốc).
Thứ ba, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan tại cửa khẩu và thực hiện hiệu quả đề án XK chính ngạch.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 |
Ngoài ra, đối với thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có biện pháp điều hành bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, hỗ trợ kiểm soát chi phí cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án về phát triển thị trường trong nước, gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng.
Kết quả, trong 8 tháng đầu năm, thị trường trong nước đã phát triển tích cực, khẳng định vai trò gánh đỡ mục tiêu tăng trưởng khi thị trường ngoài nước gặp khó khăn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp, dựa trên yêu cầu, kiến nghị của doanh nghiệp, để có thể tổ chức các hoạt động hết sức cụ thể, thiết thực cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh hoạt động về kinh doanh nói chung và trong đó có hoạt động xuất khẩu nói riêng” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương