Hiệp định EVFTA: Thêm động lực để hoàn thiện năng lực thể chế

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Hiệp định EVFTA đã có tác động thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách của Việt Nam theo hướng tiến bộ hơn, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tác động và ảnh hưởng đến các chủ thể trong nền kinh tế từ các doanh nghiệp đến nhà nước.

TS. Dennis Quennet - Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh - Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ cho biết, sau 3 năm thực hiện EVFTA, tác động của EVFTA đối với kinh tế Việt Nam thể hiện rõ trong thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo đó, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU có xu hướng mở rộng quy mô và đối tác, tốc độ tăng trưởng khá qua từng năm. Trong giai đoạn 2020 - 2022, sau khi EVFTA được ký kết, xuất khẩu sang thị trường EU phục hồi từ mức giảm 1,8% năm 2020 lên tăng 14,2% năm 2021 và 16,8% năm 2022.

Cụ thể, số liệu thống kê qua các năm cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU giai đoạn từ tháng 8/2020 - tháng 7/2022 đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Đặc biệt, EVFTA đã tạo tác động lan tỏa tới nhiều khu vực dân cư khi các sản phẩm tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan EVFTA được ghi nhận là gạo (100%), giày dép (74-98%), thủy sản (70-76%), nhựa và các sản phẩm nhựa (53-70%)...

xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU có xu hướng mở rộng quy mô và đối tác, tốc độ tăng trưởng khá qua từng năm
Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU có xu hướng mở rộng quy mô và đối tác, tốc độ tăng trưởng qua từng năm - Ảnh minh hoạ

Nhiều kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính và mua sắm công đều có nhiều điều chỉnh về các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, và hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA.

Về lĩnh vực thương mại, các chuyên gia cho rằng, khó có thể khẳng định EVFTA là hiệp định duy nhất có tác động cải thiện việc xây dựng và thực thi chính sách thương mại ở Việt Nam trong giai đoạn 2020- 2023 nhưng chắc chắn EVFTA có đóng góp đáng kể vào cải thiện mức độ minh bạch về chính sách tạo thuận lợi thương mại ở Việt Nam.

Trong đó, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản nhằm thực thi EVFTA: Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020 – 2022 và Nghị định số 116/2022/NĐ- CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2022- 2027; Thông tư số 41/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư số 11/2020/TT-BCT…

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), EVFTA là một FTA thế hệ mới và cũng tạo ra thêm các tiêu chuẩn đủ cao để thúc đẩy quá trình cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ, mua sắm công,…

Do đó, để khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định EVFTA trong bối cảnh cải cách thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nghiên cứu của CIEM đã đưa ra 7 khuyến nghị chung.

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán các cam kết, trong đó có cân nhắc thực hiện một số điều chỉnh chính sách cao hơn cam kết nếu thực sự cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới.

Thứ hai, tăng cường sự phối hợp đồng bộ từ trung ương tới địa phương.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về FTA tới các khối doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ tư, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Thứ năm, tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, định hướng thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Thứ sáu, rà soát, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về cấp giấy chứng nhận C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường đối tác.

Thứ bảy, chủ động nghiên cứu các nội dung liên quan đến cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ thực thi EVFTA.

EVFTA được ví như "con đường cao tốc" quan trọng kết nối trực tiếp nền kinh tế Việt Nam với 27 nền kinh tế EU. Đặc biệt, EVFTA không chỉ là FTA đầu tiên của Việt Nam với EU, mà còn là một FTA thế hệ mới. Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực để Việt Nam hoàn thiện năng lực thể chế phù hợp với yêu cầu và bối cảnh phát triển mới.

Theo Báo Công Thương

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: