Những năm qua, Việt Nam thể hiện là thành viên có trách nhiệm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong khu vực ASEAN. Qua đó, nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam, một cơ quan thành viên thuộc trụ cột Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đồng thời, phát huy vai trò tiên phong trong khu vực ASEAN, Hải quan Việt Nam đã nỗ lực thể hiện và ghi dấu ấn qua 6 kết quả nổi bật.
Điểm lại những kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, từ khi Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN, Hải quan Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công 3 Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEAN tại Việt Nam lần lượt vào các năm 1995, 2004 và 2014.
Vì vậy, Hải quan Việt Nam càng nỗ lực chuẩn bị kỹ càng hơn để tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 4 và các cuộc họp của Ủy ban điều phối hải quan, các Nhóm làm việc kỹ thuật trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Hải quan Việt Nam từ tháng 6/2024 đến tháng 6/2025, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, bà Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Tổng kết sơ bộ tính đến tháng 5/2024, công tác hợp tác, hội nhập theo các nhóm công việc, Hải quan Việt Nam ghi dấu ấn đầu tiên bằng việc tích cực tham gia rà soát Danh mục Thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) ở cấp độ 8 chữ số được Hải quan các nước ASEAN sử dụng và được xây dựng dựa trên Danh mục HS của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).
Ảnh minh họa. |
Hiện nay, các nước ASEAN đã triển khai thực hiện Danh mục AHTN phiên bản 2022. Căn cứ theo kết quả phiên họp HSC72 của WCO, chu kỳ rà soát của HS từ 5 năm sẽ được thay đổi sang 6 năm. Do đó, dự kiến việc rà soát Danh mục AHTN 2028 sẽ được bắt đầu với 2 phiên đàm phán trong năm 2024.
Tại Việt Nam, Hải quan Việt Nam đang tiến hành triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để thực hiện phiên bản AHTN 2022 đã được ban hành, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quản lý hải quan đối với Danh mục hàng hóa XNK theo phiên bản AHTN cập nhật nhất.
Kết quả thứ 2 mà Hải quan Việt Nam đã đạt được là việc triển khai Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS).
Hệ thống ACTS bắt đầu vận hành chính thức từ ngày 30/11/2020, với 6 nước thành viên tham gia gồm Cam-pu-chia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Hiện Hệ thống ACTS đang được vận hành bởi Đội quản lý Trung tâm thường trực tại trụ sở Ban thư ký ASEAN (Jakarta, Indonesia) với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Liên minh châu Âu (EU) thông qua Dự án ARISE PLUS.
Được biết, số lượng lô hàng quá cảnh được thực hiện thủ tục hải quan thông qua Hệ thống ACTS gia tăng theo từng năm, chủ yếu từ Singapore, Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Riêng trong năm 2023, tổng cộng có 98 lô hàng quá cảnh ACTS đã thực hiện.
Hệ thống ACTS. |
Kế hoạch đề ra, thời gian tới sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo lãnh; khuyến khích DN sử dụng ACTS để vận chuyển hàng hóa; hỗ trợ các nước tham gia ACTS thông qua tổ chức đào tạo lại cho cơ quan Hải quan, DN để có thể triển khai hệ thống ACTS một cách hiệu quả; phối hợp với Hiệp hội giao nhận vận tải ASEAN (AFFA) và các hiệp hội vận tải quốc gia để phổ biến kiến thức; đào tạo bồi dưỡng và họp trực tuyến hàng tuần về triển khai thực hiện ACTS.
Tại Việt Nam, để đảm bảo tự động hóa việc thực hiện các thủ tục hải quan đối với việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua biên giới trong ASEAN bằng phương tiện đường bộ, Hải quan Việt Nam đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 46/2020/NĐ-CP quy định về quy trình thủ tục để triển khai ACTS. Thông qua một thủ tục hải quan chung, Hệ thống ACTS cho phép DN vận chuyển hàng hóa tự do qua các quốc gia thành viên ASEAN.
Đặc biệt, việc triển khai Hệ thống ACTS đòi hỏi sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan, trong đó có vai trò của Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải và các Ngân hàng thương mại liên quan đến vấn đề bảo lãnh.
Trong đó, liên quan đến vận hành hệ thống, được sự hỗ trợ của chuyên gia ARISE PLUS, Hệ thống ACTS đã được lắp đặt hoàn thiện, cập nhật đầy đủ chức năng của phiên bản mới, cán bộ của Hải quan Việt Nam cũng được đào tạo để điều hành, quản trị hệ thống.
Kết quả, Việt Nam đã triển khai thành công lô hàng quá cảnh đầu tiên qua Hệ thống ACTS vào tháng 2/2024 vừa qua tại Chi cục Hải quan Mộc Bài, Cục Hải quan Tây Ninh.
Đối với Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về AEO trong ASEAN (AAMRA) đã được 10 nước ASEAN ký kết và có hiệu lực từ ngày 19/9/2023. Việc thực hiện Thỏa thuận này được chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 là các quốc gia đã triển khai chương trình DN AEO (bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) và Nhóm 2 là các quốc gia đang bắt đầu triển khai chương trình DN AEO (Campuchia, Lào, Myanmar).
AEO ASEAN. |
Đánh giá cho thấy, hiện 6 nước gồm: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã hoàn thành thẩm định thực tế tại các DN AEO và bắt đầu giai đoạn thí điểm trong vòng 6 tháng.
Đối với Việt Nam đang chờ hoàn thiện thủ tục trong nước để thực hiện thẩm định thực tế tại DN AEO. Sau khi thực hiện thẩm định xong, Việt Nam sẽ tham gia thí điểm cùng 6 nước trên. Trong ASEAN, Hải quan Việt Nam cũng đã thành lập nhóm đặc trách, tham gia đầy đủ các hoạt động của SWG-AAMRA.
Đáng chú ý, Hải quan Việt Nam đang sửa đổi quy định pháp luật trong nước để đảm bảo các điều kiện công nhận DN AEO của Việt Nam tương đồng với các nước tham gia ký kết và tương đồng với quy định về AEO tại Khung Tiêu chuẩn SAFE của WCO trước khi thực hiện thẩm định DN AEO.
Trong công tác hợp tác kiểm soát, thực thi tuân thủ hải quan, Chiến dịch “Con rồng Mêkông” là sáng kiến về hoạt động chống buôn lậu do Hải quan Trung Quốc và Hải quan Việt Nam đồng khởi xướng với sự hỗ trợ điều phối của Văn phòng tình báo khu vực châu Á – Thái Bình Dương (WCO-RILO AP) và Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC).
Hội nghị tổng kết Chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn 5 ngày 21/11/2023. Ảnh: Thái Bình |
Chiến dịch đánh dấu điểm nhấn của Hải quan Việt Nam trong việc chủ động hội nhập, hợp tác trong các vấn đề tăng cường kiểm soát chống buôn lậu và tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực và toàn cầu. Với sự thành công của Chiến dịch, các thành viên của Hải quan các nước ASEAN đã tham gia, tăng số lượng các thành viên tham gia lên đến 25 cơ quan Hải quan trong khu vực.
Ngoài ra, Hải quan Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các hoạt động hợp tác kiểm soát và tuân thủ thông qua cơ chế trao đổi thông tin về kiểm soát hải quan tập trung vào các vấn đề nóng như phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, buôn bán động thực vật hoang dã, thuốc lá, cũng như đóng góp tin tức cho các Bản tin về Kiểm soát hải quan và Kiểm tra sau thông quan định kỳ của ASEAN.
Trong năm 2023, Hải quan Việt Nam đã tích cực xây dựng năng lực, phát triển nguồn nhân lực bằng việc phối hợp với Hải quan Úc tổ chức thành công Chương trình JCMMP lần thứ 6 vào tháng 10/2023 tại TP Hồ Chí Minh. Chương trình có sự tham gia của đại diện Hải quan các nước ASEAN, Hải quan Úc, Hải quan Nhật Bản và đã nhận được phản hồi rất tích cực của các đại biểu tham dự. Các bên đều ghi nhận tính hiệu quả và thống nhất tiếp tục phối hợp với các đối tác chính để triển khai các Chương trình tương tự trong thời gian tới.
Ảnh minh họa. |
Hải quan Việt Nam cũng đã tận dụng được cơ hội tham gia các hoạt động xây dựng năng lực trong ASEAN để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trên nhiều lĩnh vực nghiệp vụ như trị giá, xuất xứ, phân loại, kiểm soát hải quan. Ngoài ra, thông qua kênh ASEAN cũng đã cử được cán bộ tham gia nhiều hoạt động đào tạo do các đối tác của ASEAN tài trợ, qua đó không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý.
Đối với các nội dung hợp tác về Cơ chế một cửa ASEAN, Hải quan Việt Nam vẫn đang triển khai theo tiến độ chung của ASEAN. Theo đó, Hải quan Việt Nam đã hoàn thành và thông báo cho Ban Thư ký ASEAN về chức năng tra cứu C/O e-Form D của Việt Nam để DN và các bên liên quan có thể tra cứu từ tháng 8/2021 qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (https://vnsw.gov.vn).
Tổng cục Hải quan đã làm tốt vai trò thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về kết nối một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại |
Đến thời điểm hiện tại, việc kết nối trao đổi C/O Form D được thực hiện hoàn toàn trên Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam. Các vướng mắc đều được giải quyết theo cơ chế đã thống nhất trong các Nhóm làm việc của ASEAN.
Về trao đổi Tờ khai hải quan ASEAN (ACDD) thông qua Cơ chế một cửa ASEAN, cho đến tháng 5/2024, trừ Lào chưa tham kết nối hệ thống, Hải quan Việt Nam đã tiến hành trao đổi thành công dữ liệu với 7 nước và đang tiếp tục trao đổi thử nghiệm và khắc phục các lỗi kỹ thuật với nước còn lại (Brunei).
Ngoài ra, trong khuôn khổ song phương, Hải quan Việt Nam đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan XK với Liên minh kinh tế Á - Âu; trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc; trao đổi chứng nhận kiểm dịch điện tử với New Zealand.
Theo Haiquanonline