Để phát triển thương mại biên giới, không chỉ vị trí địa lý chiến lược mà còn cần có sự đồng bộ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, các chính sách thương mại mở cửa, quy trình thủ tục, sức hấp dẫn từ nguồn lao động… qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
Hoạt động XNK qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: TTXVN |
Cửa khẩu - động lực phát triển kinh tế địa phương
Để thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ trên toàn tuyến biên giới đất liền, Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại biên giới với Chính phủ các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia và lần lượt ký các hiệp định, thỏa thuận quan trọng liên quan khác về kiểm dịch, chất lượng hàng hóa, thanh toán…
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đất liền sang 3 thị trường Trung Quốc, Lào và Campuchia đạt 50,38 tỷ USD, tăng 52,2% so với năm 2022, chiếm 27,68% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với 3 thị trường. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền 2 tháng đầu năm 2024 là 8,44 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 28,88% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với 3 thị trường. |
Tuy quy mô trao đổi hàng hóa qua tất cả các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới đất liền có sự phát triển không ngừng, song hoạt động thương mại biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng.…
Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, thương mại biên giới toàn tuyến biên giới đất liền còn nhiều khó khăn. Mặc dù cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu các tỉnh biên giới đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, tuy nhiên hệ thống logistics vẫn còn một số vấn đề như khó khăn trong khai thác đường sắt với Trung Quốc do chưa đồng bộ về khổ đường ray; hệ thống sông dốc, nhiều đá ngầm khi khai thác vận tải; chưa có trung tâm logictics với đầy đủ các chức năng cơ bản. Do đó, dẫn đến chi phí dịch vụ logictics còn cao, tính liên kết giữa các vùng, các doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế. Trên tuyến biên giới giáp Lào, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm và chưa tương xứng với nhau, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.
Ở góc độ địa phương, Lào Cai, là tỉnh có nhiều lợi thế về vị trí, là cửa ngõ, cầu nối giao thương kinh tế quốc tế. Theo UNBD tỉnh Lào Cai, những năm qua, tỉnh đã nỗ lực đầu tư về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Năng lực kết nối giao thương, phát triển kinh tế cửa khẩu của Lào Cai đã và đang có những thành công nhất định.
Giai đoạn 2015-2022, giá trị xuất nhập khẩu của tỉnh có sự tăng trưởng mạnh và ổn định, bình quân đạt gần 16,5%/năm. Đặc biệt, trong năm 2019 giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đã đạt 3,81 tỷ USD, tăng 71% so với năm 2015; năm 2023 giá trị xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lào Cai đạt trên 2,1 tỷ USD; 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 600 triệu USD, tăng trên 28% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong những năm gần đây, cửa khẩu Lào Cai đã thu hút xuất khẩu được lượng lớn các loại nông sản, trái cây chủ lực đảm bảo tính ổn định bền vững trong tăng trưởng xuất khẩu, thặng dư thương mại ngày càng được gia tăng. Nếu như năm 2015 nhập siêu qua cửa khẩu Lào Cai gần 300 triệu USD thì đến năm 2023 xuất siêu đạt mức trên 360 triệu USD. Bên cạnh đó, dich vụ xuất nhập khẩu phát triển đa dạng và chất lượng ngày càng được nâng cao.
Tuy đã đạt được nhiều thành tựu trong kết nối giao thương kinh tế giữa các vùng, ASEAN và Tây Nam - Trung Quốc, nhưng kết quả này được nhận định chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu mua bán, giao thương giữa các khu vực. Hạ tầng thương mại, đường sá, bến cảng đã tiệm cận năng lực tối đa nhưng còn thiếu các trung tâm logistics hiện đại để điều phối các hoạt động xuất nhập khẩu.
Lào Cai chưa hình thành được những trung tâm logistics liên hoàn, đảm bảo các điều kiện trong chuỗi sản xuất và lưu thông. Một số công trình hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa phục vụ phát triển logistics như: Cảng hàng không Sa Pa; cầu Bản Vược (Bát Xát), đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị xã Sa Pa; đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 2 (mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe); đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm kết nối Lào Cai với Hà Khẩu; đường thủy nội địa từ Yên Bái đến ngã ba Nậm Thi (TP Lào Cai), cảng cạn… còn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, làm giảm khả năng kết nối, vận chuyển, năng lực cung ứng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và năng lực kết nối logistics giữa Lào Cai với các tỉnh trong nước và với Trung Quốc còn hạn chế.
Tương tự, Lạng Sơn cũng là địa bàn trọng điểm trong phát triển thương mại biên giới. Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách về phát triển khu kinh tế cửa khẩu. Giai đoạn 2008 - 2023, ngân sách nhà nước đã bố trí trên 12.000 tỷ đồng để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu, nhất là hạ tầng phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xuất nhập khẩu tại các khu vực cửa khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng tập trung phát triển ngành dịch vụ logistics gắn với phát triển khu kinh tế cửa khẩu, tập trung xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành một trong những cửa khẩu kiểu mẫu tiên tiến, hiện đại; hợp tác với phía Quảng Tây mở các đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa trở thành lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Tỉnh cũng tập trung chuẩn bị các điều kiện về quy hoạch, thu hút đầu tư đối với một số dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm phục vụ kết nối dịch vụ logistics trên địa bàn như dự án khu trung chuyển hàng hóa, sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ là nơi lưu giữ, bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu theo tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế, rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời đôn đốc các nhà đầu tư nhanh chóng đầu tư, xây dựng một số khu chức năng khác thuộc khu kinh tế cửa khẩu như: khu chế xuất 1, hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang thuộc Khu phi thuế quan… Đây đều là những dự án lớn, có tầm ảnh hưởng quan trọng tới hoạt động logistics trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, khu kinh tế cửa khẩu đã góp phần quan trọng cho phát triển và tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh, tác động tích cực đến phát triển của các khu vực khác; thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước nói chung, nhất là xuất khẩu nông sản. Năm 2023, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh của tất cả các loại hình xuất nhập khẩu đạt trên 52 tỷ USD, tăng 85,12% so với năm 2022; quý 1/2024, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt gần 11 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2023.
Theo Báo cáo tóm tắt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc, thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến 2050 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phương hướng phát triển các khu kinh tế cửa khẩu như sau: Tiếp tục phát triển hệ thống 5 khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang; khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu; khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư, hoàn thiện và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Phát triển 3 cửa khẩu áp dụng cơ chế khu kinh tế cửa khẩu gồm: Cửa khẩu Lóng Sập, tỉnh Sơn La; Cửa khẩu Chiềng Khương, tỉnh Sơn La; Cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên. Nâng cấp, phát triển một số cửa khẩu đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Nghiên cứu khả năng hình thành khu kinh tế cửa khẩu tại một số cửa khẩu như: Cửa khẩu U Ma Tu Khoòng, tỉnh Lai Châu. Phát triển các khu kinh tế theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ, trung tâm logistics với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, có các cơ chế chính sách khuyến khích và ưu đãi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới. |
Tuy vậy, việc xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, hiện đại hoá các hoạt động logistic hỗ trợ xuất khẩu của tỉnh Lạng Sơn còn nhiều hạn chế như: công tác lập quy hoạch xây dựng còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, các chỉ tiêu dự báo quy hoạch chưa sát với thực tế, chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực cửa khẩu chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu còn chậm, chưa đáp ứng kế hoạch đề ra. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách, ưu đãi đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu và các khu vực cửa khẩu chưa có tính đặc thù, vượt trội, chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư; nguồn vốn dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng, các dự án trọng điểm còn hạn chế.
Cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá
Để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, cần có lộ trình và tăng cường công tác đầu tư phát triển hạ tầng khu vực biên giới nhất là tại khu vưc các cửa khẩu có điều kiện phát triển để thúc đẩy thương mại biên giới Việt - Lào. Đồng thời, cụ thể hóa, đa dạng hóa hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu. Hiện nay Hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào khuyến khích các hoạt động xúc tiến thương mại biên giới Việt - Lào, trong thời gian tới cần đa dạng hóa các loại hình xúc tiến thương mại sang Lào như: tổ chức các phiên chợ hàng Việt tại Lào; hội nghị kết nối cung cầu trực tiếp và trực tuyến; hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại với Lào, Thái Lan..
Những hạn chế trong phát triển hệ thống logistics cũng là rào cản để phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên. Mặc dù Tây Nguyên là trung tâm sản xuất nông sản lớn của cả nước nhưng hiện nay các dịch vụ logistics nông nghiệp chưa phát triển, chưa có trung tâm logistics và thiếu hệ thống bến bãi. Hiện nay, các doanh nghiệp tại một số địa phương như Đắk Lắk, Gia Lai đang phải thuê, xây dựng kho bãi tại các tỉnh/thành như Đồng Nai, TPHCM… để tập kết hàng hóa, dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh.
Để thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu, mua bán trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên toàn tuyến biên giới đất liền, theo Cục Xuất nhập khẩu, cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế cửa khẩu, vào hoạt động sản xuất, chế biến, thương mại tại khu vực biên giới. Tiếp đến, tập trung thu hút đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng, đặc biệt là tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh theo quy hoạch tạo thành mạng lưới đường sắt kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc) để nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều qua các cửa khẩu, nhằm đa dạng hóa phương thức vận chuyển là đường bộ, đường hàng không, đường biển và đường sắt, giảm chi phí logistics.
Song song với đó, có chính sách thu hút đầu tư để xây dựng trung tâm logistics quy mô, hiện đại, đầy đủ các chức năng như: vận tải, kho bãi, đại lý hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch... theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, thương nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn…
Đối với vùng Tây Nguyên cần thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics, đặc biệt là các trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa; kết nối hàng hóa từ vùng sản xuất đến khu vực cảng biển, cửa khẩu quốc tế. Đóng vai trò là các đầu mối kết nối thương mại với Lào, Campuchia, Hành lang Kinh tế Đông - Tây, Tiểu vùng sông Mê Kông.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai: Hiện đại hóa các hoạt động logistics thúc đẩy giao thương biên giới
Năm 2024 và những năm tiếp theo, xu hướng triển khai đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông (đặc biệt là giao thông đường sắt) nhằm kết nối liên quốc gia, liên vùng, kết nối đến hệ thống các cửa khẩu, biên giới sẽ là chủ đạo. Tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu hướng đến xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một trung tâm logistics hiện đại, đúng tầm là trung tâm kết nối giao thương, khu trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại, trước hết ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối mạng lưới giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức để khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thu hút phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với xuất nhập khẩu. Đẩy nhanh hình thành trung tâm logistics cho hàng nông sản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản gắn với dịch vụ logistics ra thị trường quốc tế. Xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng với khả năng gắn kết được với các địa phương trên hành lang; mở rộng các lĩnh vực kết nối để các địa phương và doanh nghiệp trong vùng có thể tham gia. Xây dựng, kết nối các cụm công nghiệp và cụm công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ tổng hợp theo chuỗi giá trị và theo tuyến hành lang kinh tế. Đồng thời tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại biên giới Việt – Trung đã được chính phủ hai nước ký kết; Phối hợp với phía tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các bộ, ngành Trung ương tích cực nghiên cứu và xây dựng các khu cửa khẩu, khu công nghiệp, các mô hình hợp tác kinh tế qua biên giới, mậu dịch tự do có tính bổ trợ cho nhau, phát huy hiệu quả vị trí cầu nối của Lào Cai. Ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: Tăng cường công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu, hiện đại hoá các hoạt động logistic hỗ trợ xuất khẩu, thúc đẩy giao thương biên giới qua địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong khu kinh tế cửa khẩu, nhất là đầu tư các công trình giao thông trọng điểm như tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn Km 18 đến Km 80 và đoạn Km3+700 đến Km18 và tuyến cao tốc Lạng Sơn đến Tiên Yên, Quảng Ninh. Phát triển đa dạng các loại hình thương mại, du lịch, dịch vụ, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế trong khu kinh tế cửa khẩu. Bên cạnh đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư và thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời tập trung huy động nguồn lực triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh sau khi được phê duyệt, triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh về kinh tế cửa khẩu, hiện đại hoá các hoạt động logistic hỗ trợ xuất nhập khẩu, thúc đẩy giao thương biên giới qua địa bàn, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, các tỉnh, thành, các doanh nghiệp trong nước, cùng với sự hợp tác, kết nối, chia sẻ của các đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu đồng bộ, hiện đại, cung cấp các hoạt động logistic chuyên nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0. Theo haiquanonline |