Giá xuất khẩu cà phê tăng vọt trước thông tin nắng nóng có xu hướng lan tới vùng trồng cà phê chính của Brazil trong 10 ngày tới, tiềm ẩn rủi ro cho cây cà phê.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sau khi giảm mạnh vào tuần trước, khép lại phiên giao dịch 11/12, giá cà phê tăng lần lượt 3,92% với Arabica và 3,8% với Robusta. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng sau 7 tháng giảm liên tiếp không đủ lấn át thông tin rủi ro nắng nóng tại Brazil.
Giá cà phê quay đầu tăng vọt |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 11, Việt Nam đã xuất 119.297 tấn cà phê, tăng 172,8% so với tháng trước. Đây cũng là tháng tăng đầu tiên sau 7 tháng xuất khẩu giảm liên tiếp. Dù vậy, lượng cà phê xuất đi trong tháng vừa qua vẫn thấp hơn mức hơn 120.000 tấn cùng kỳ năm 2022. Lũy kế xuất khẩu 11 tháng năm 2023 giảm 10% so với năm trước.
Hơn nữa, nắng nóng có xu hướng lan tới vùng trồng cà phê chính của Brazil trong 10 ngày tới, tiềm ẩn rủi ro cây cà phê niên vụ 2024/25 phát triển. Điều này dấy lên nghi ngờ về dự báo triển vọng nguồn cung cà phê tích cực trong niên vụ tới tại Brazil của các hãng tư vấn đưa ra trước đó.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (12/12), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 60.700 - 61.600 đồng/kg, tăng mạnh so với ngày hôm trước.
Giá xuất khẩu cà phê nội địa tăng cao do nguồn cung chưa hồi phục |
Đối với xuất khẩu, theo ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), niên vụ 2023/2024, lượng tiêu thụ cà phê nội địa dự kiến tiếp tục tăng, tổng công suất nhà máy chế biến cà phê hòa tan ước tính 100.000 tấn thành phẩm/năm, tương đương 230.000 tấn cà phê nhân và dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới do có nhiều dự án đầu tư, mở rộng công suất nhà máy.
Trong năm 2024, thị trường cà phê rang xay chế biến, tiêu thụ nội địa ổn định, dự kiến đạt khoảng 150.000 tấn. Tổng lượng cà phê nhân tiêu thụ nội địa có thể tăng lên mức 350.000- 400.000 tấn/năm nếu các nhà máy cà phê hòa tan đạt hết công suất.
Nhận định về tình hình xuất khẩu cà phê trong niên vụ 2023/2024, ông Đỗ Hà Nam cho biết, do sản lượng giảm cộng với nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng lên, dự kiến lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong niên vụ 2023/2024 sẽ tiếp tục giảm, xuống còn khoảng 1,4 triệu tấn.
Tuy nhiên, do giá cà phê tiếp tục tăng cao nên khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ thiết lập kỷ lục mới, đạt 4,5 - 5 tỷ USD. Niên vụ trước, ngành cà phê Việt Nam cũng đạt kỷ lục xuất khẩu hơn 4 tỷ USD dù sản lượng giảm.
Để hướng tới xuất khẩu cà phê bền vững, hiện nhiều vùng trồng cà phê của Việt Nam đang chủ động tái canh, đưa các giống cà phê chất lượng, năng suất tốt vào chế biến. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Bộ cùng các địa phương có diện tích trồng cà phê lớn tiến hành khảo sát, quy hoạch vùng gắn với định danh vùng trồng, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu từ quá trình gieo trồng.
Bộ cũng sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về sản xuất, đặc biệt là xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại các vùng trồng. Mục tiêu đề ra từ nay đến năm 2025, cả nước sẽ tái canh 75.000ha, ghép cải tạo 32.000ha cà phê, trong đó cà phê Arabica chiếm khoảng 20% tổng diện tích. Ngoài ra, hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới có năng suất cao và chất lượng vượt trội.
Theo Bộ Công Thương