Giá nông sản hôm nay ngày 17/6/2024: Giá tiêu trong nước tăng; giá vải thiều cuối vụ giá tăng cao; vú sữa Hoàng Kim tại vườn có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 17/6/2024: Giá tiêu trong nước tăng mạnh
Tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ tăng cực mạnh, từ 13.000 đồng/kg ở một số địa phương, giao dịch quanh mốc 168.000 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 170.000 đồng/kg.
Theo đó, giá tiêu Đắk Lắk được thu mua ở mức 170.000 đồng/kg tăng 13.000 đồng/kg. Giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) hiện ở mức 168.000 đồng/kg ghi nhận tăng 13.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Giá tiêu Đắk Nông hôm nay ghi nhận ghi nhận ở mức giá 170.000 đồng/kg, tăng 13.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tăng 13.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Bà Rịa – Vũng Tàu lên mức 169.000 đồng/kg, tăng 13.000 đồng/kg; tại Bình Phước, giá tiêu đạt mức 168.000 đồng/kg, tăng 13.000 đồng/kg.
Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 6.418 USD/tấn giảm 0,53%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 7.900 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok 8.377 USD/tấn giảm 0,54%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam đồng loạt đồng loạt tăng mạnh, 7.800 USD/tấn (tăng 6,84%); loại 550 g/l mức 8.000 USD/tấn (tăng 2,56%); giá tiêu trắng mức 12.000 USD/tấn (tăng 12,14%).
Vú sữa Hoàng Kim thu mua tại vườn có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg
Nhà vườn trồng cây ăn trái, trong đó có trồng vú sữa Hoàng Kim tại huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, hiện trái vú sữa Hoàng Kim đang được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 35.000-40.000 đồng/kg.
Vú sữa Hoàng Kim khi trái còn non có màu xanh, khi chín thì ngả màu vàng tươi. Cây vú sữa Hoàng Kim có xuất xứ từ Đài Loan được trồng bằng phương pháp ươm hạt, chiết và ghép; nếu trồng bằng hạt, sau 3 năm bắt đầu cho quả.
Vú sữa Hoàng Kim thu mua tại vườn có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg |
Nếu trồng cây vú sữa Hoàng Kim từ cây chiết, cây ghép thì sau 2 năm vú sữa Hoàng Kim sẽ cho trái.
Không giống các loại vú sữa khác mỗi năm chỉ cho trái 1 vụ, vú sữa Hoàng Kim cho trái quanh năm, ít tốn công chăm sóc và sâu bệnh.
Mỗi năm cây vú sữa Hoàng Kim cho thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt kéo dài gần 1 tháng, cây càng lớn sẽ cho năng suất càng cao, trung bình đối với cây 3 năm tuổi mỗi đợt cho từ 40-50 trái, tương đương từ 10-12kg
Giá nông sản hôm nay ngày 17/6/2024: Giá vải thiều cuối vụ giá tăng cao
Nông dân ở Lục Ngạn (Bắc Giang) chia sẻ rằng gia đình họ dự kiến sản lượng vải thiều năm nay giảm 30%, nhưng thực tế khi thu hoạch lại giảm đến 60%. Mất mùa nghiêm trọng khiến giá vải thiều cuối vụ tăng vọt. Nửa tấn vải cuối cùng gia đình bà bán được với giá 80.000 đồng một kg – mức cao nhất từ khi trồng vải đến nay.
Tương tự, nông dân ở xã Thanh Sơn, Thanh Hà (Hải Dương) cho biết năm ngoái thu hoạch được 11 tấn vải, nhưng năm nay chỉ còn 3 tấn. Giá vải thiều xuất khẩu tăng chưa từng có vẫn không đủ bù đắp chi phí cho gia đình.
Giá nông sản hôm nay ngày 17/6/2024: Giá vải thiều cuối vụ giá tăng cao |
Trong vườn, vài cây chỉ còn lác đác trái nhưng chúng to, tròn đều là ngọt đậm đà nên thương lái trả giá tới 100.000 đồng một kg.
Một thương lái thu mua vải ở miền Bắc cho biết Thanh Hà gần như hết vải, chị chỉ còn gom mua ở Lục Ngạn. Giá vải tăng cao do nhu cầu lớn từ nội địa và quốc tế. Ngoài việc Trung Quốc mất mùa làm tăng nhu cầu, các đơn đặt hàng từ miền Nam cũng tăng đột biến. Hiện tại, chị chỉ đáp ứng được 50-70% nhu cầu. Vải trứng u hồng có giá mua lên tới 200.000 đồng một kg nhưng các vườn không còn hàng vì đã cuối vụ.
Tại các cửa hàng trái cây cao cấp, giá vải trứng u hồng loại 1 vận chuyển đường hàng không lên tới 320.000 đồng một kg, còn vải thiều truyền thống giá 165.000-180.000 đồng một kg, đắt gấp đôi cùng kỳ và tăng 50% so với đầu vụ. Một số siêu thị đã tạm ngừng nhập hàng, số khác bán với giá khoảng 120.000-135.000 đồng một kg nhưng số lượng rất hạn chế.
Tại hệ thống MM Mega Market, vải thiều đang được bán với giá 95.900 đồng một kg, mức giá mới điều chỉnh so với 79.000 đồng một kg cách đây 2 tuần. Còn tại Winmart mỗi kg vải thiều Lục Ngạn đã 85.000 đồng một kg, trước đó giá khuyến mãi 49.900 đồng.
Ếch òn Ninh Thuận được săn lùng với giá 250.000 đồng một kg
Ếch òn, đặc sản Ninh Thuận, được săn lùng dù giá 250.000 đồng một kg, cao gấp 2-3 lần năm ngoái và đắt hơn loại ếch thường.
Gần tháng nay, ếch òn, hay còn gọi là con ưng, với bụng phình to và da đen đặc trưng, đang trở thành đặc sản được săn đón tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Sau khi xuất hiện trên TikTok, ếch òn trở thành cơn sốt với giá cao.
Một người chuyên bán ếch òn ở Ninh Thuận, cho biết trước đây, ếch òn chỉ tiêu thụ trong địa phương với giá 65.000-80.000 đồng một kg. Tuy nhiên, năm nay nhu cầu tăng đột biến sau khi được giới thiệu trên TikTok và mạng xã hội đã đẩy giá lên 150.000-160.000 đồng một kg.
Đầu mối bán lẻ tại TP HCM, cho biết mỗi ngày nhập 10 kg và đều bán hết từ sớm với giá 250.000 đồng một kg. Theo họ, loại này chỉ xuất hiện vào mùa mưa tại Ninh Thuận và Bình Thuận, từ tháng 5-6 dương lịch. Thịt ếch ngọt, thơm, xương mềm, bổ dưỡng. Hiện tại, mùa ếch òn gần hết nên khách muốn mua phải đặt trước cả tuần.
Một đầu mối bán hàng ở quận 12, cho biết năm nay lượng mua tăng gấp 5 lần so với các năm trước, giá loại có trứng lên 300.000-350.000 đồng một kg. Không chỉ phổ biến tại TP HCM, chúng còn được rao bán bán rộng rãi ở Đà Nẵng, Hà Nội và Quảng Nam. Đặc sản này có hai loại: sống và đã sơ chế.
Nông dân Nghệ An thu về 200 triệu đồng/ha từ trồng mướp lấy xơ
Bắt đầu từ năm 2024, Hội Nông dân xã Thanh Tiên (huyện Thanh Chương) triển khai mô hình trồng mướp lấy xơ với tổng diện tích mướp lấy xơ của toàn xã là 11.000m2
Sau 5 tháng trồng và chăm sóc, đến nay, nông dân Nghệ An bắt đầu thu hoạch rộ mướp lấy xơ. Mỗi vụ, 1ha sẽ cho thu khoảng 200-220 triệu đồng.
Nông dân Nghệ An thu về 200 triệu đồng/ha từ trồng mướp lấy xơ |
Giống mướp lấy xơ là loại giống đặc thù, không giống như mướp truyền thống mà người dân hay trồng. Mướp lấy xơ quả to, dài, xơ mướp trắng, đáp ứng với thời tiết khắc nghiệt ở Nghệ An. Cây mướp được trồng vào tháng 1 và tháng 2 hàng năm. Sau 2 tháng thì có thể cho thu hoạch quả non. Phải tỉa bớt quả non để cây tập trung nuôi quả lấy xơ to, dài. Với đặc tính ngọt, giòn, mướp non được thị trường ưa chuộng và đưa lại cho người trồng khoản thu nhập tăng thêm 4-5 triệu đồng/sào.
Mướp sau khi thu hoạch được đập cho vỡ lớp vỏ bên ngoài, sau đó ngâm vào nước để vỏ tự tách ra. Tiếp đó, người dân rũ xơ mướp cho hạt rời khỏi quả, tiếp tục ngâm một lần trong nước sạch khác để xơ mướp sạch, trắng.
Xơ mướp được kết thành từng chùm và phơi nắng. Nắng to, mướp già thì xơ sẽ trắng, đạt chuẩn chất lượng. Xơ mướp được công ty liên kết bao tiêu toàn bộ với giá dao động từ 2.000 – 5.000 đồng/xơ.
Sau khi thu hoạch đợt 1, người dân tiếp tục chăm sóc để mướp tiếp tục ra quả. Mỗi vụ mướp thu hoạch 4-5 đợt, thời gian thu hoạch kéo dài đến tháng 10 dương lịch. Trung bình, mỗi vụ, 1ha trồng mướp ngoài bán quả non, người dân có thể thu về 60.000-80.000 xơ, cho thu nhập khoảng 200-220 triệu đồng.
Theo Báo Công Thương