Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 20/12, giá cà phê giảm mạnh lần lượt 5,83% với Arabica và 2,11% với Robusta.
MXV thông tin, áp lực kỹ thuật cùng những tín hiệu cải thiện về thời tiết đã khiến giá cà phê trên thị trường hàng hoá phái sinh không thể duy trì được mức đỉnh.
Giá cà phê bất ngờ giảm sau khi đạt mốc cao kỷ lục |
Thời tiết tại khu vực trồng cà phê chính của Brazil dự kiến sẽ có những chuyển biến tích cực với lượng mưa tăng trở lại và nhiệt độ cũng dịu về dưới 30 độ C. Điều này tạo điều kiện thuận lợi mới cho cây cà phê phát triển. Từ nay đến giai đoạn thu hoạch cà phê vụ 2024/25 còn khá dài, nếu duy trì điều kiện thời tiết tốt, những ảnh hưởng từ nắng nóng có thể không đáng kể đối với nguồn cung cà phê.
Ngân hàng Rabobank cũng dự báo sản lượng Arabica năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng so với năm nay, bất chấp những lo ngại về thời tiết ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, đồng Real nội địa của Brazil yếu đi trong khi đồng USD mạnh lên đã kéo tỷ giá USD/BRL tăng 1%. Chênh lệch tỷ giá tăng lên, kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil nhờ thu về nhiều ngoại tệ hơn.
Giá cà phê nội địa vọt lên mốc gần 70.000 đồng/kg |
Trên thị trường trong nước, ghi nhận trong sáng nay (21/12), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 68.900 - 69.600 đồng/kg, tăng mạnh so với hôm qua. Giá cà phê đang gần chạm mốc 70.000 đồng/kg, là mức đỉnh trong lịch sử giao dịch cà phê Việt.
Công ty Cung ứng và Dự báo nông sản (Conab) vừa công bố khảo sát vụ mùa cà phê lần bốn đã điều chỉnh sản lượng Brazil tăng thêm 0,7 triệu bao Arabica khiến đà tăng của New York bị chững lại và tâm lý lo ngại ước báo toàn cầu thiếu hụt 1 triệu bao của ICO đã giảm bớt.
Trong khi đó, nguồn cung từ Việt Nam và Indonesia tiếp tục bị thiếu hụt trong khi nhu cầu loại cà phê “giàu vị đắng” của thị trường tiêu dùng toàn cầu ngày càng cao.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, diện tích cà phê nước ta đang bị thu hẹp tại nhiều vùng trồng trọng điểm, trong niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống ở mức khoảng 1,6 - 1,7 triệu tấn, so với mức 1,78 triệu tấn của niên vụ 2022/2023. Hiện Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về diện tích cây cà phê, nhưng là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới.
Nhìn lại niên vụ 2022/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 3,4% lên mức kỷ lục 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao.
Với dự báo giá cà phê ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao hiện nay, mức kim ngạch xuất khẩu từ 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2024 là trong tầm tay. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với các giải pháp tổng thể, trong đó có việc đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời gia tăng được tỉ lệ chế biến sâu.
Theo Báo Công Thương