Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, kết thúc tuần giao dịch đầu năm mới, giá cà phê Arabica chạm mức thấp nhất trong vòng một tháng qua.
Kết thúc tuần giao dịch đầu năm mới 2024 (2 - 7/1), sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá cà phê giảm lần lượt 2,92% với Arabica hợp đồng tháng 3, về mức thấp nhất trong vòng một tháng qua và 1,62% với Robusta hợp đồng cùng kỳ hạn. Nguồn cung Arabica có những tín hiệu tích cực, đặc biệt tại Brazil đã gây áp lực lên giá. Tuy nhiên, lo ngại Việt Nam hạn chế bán hàng đã kiềm chế đà giảm của Robusta.
Giá cà phê Arabica chạm mức thấp nhất trong vòng một tháng |
Hoạt động xuất khẩu cà phê từ các quốc gia sản xuất Arabica hàng đầu diễn ra sôi động trong tháng cuối năm 2023 đã lấn át lo ngại thiếu hụt nguồn cung tồn tại trên thị trường trước đó. Chính phủ Brazil cho biết tháng 12/2023, nước này đã xuất 4,06 triệu bao cà phê dạng hạt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022. Trước đó, viện cà phê Honduras (IHCAFE) cũng đưa tin quốc gia sản xuất Arabica lớn thứ 4 thế giới đã xuất khẩu được trên 254.900 bao cà phê loại 60kg trong tháng 12, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, lo ngại triển vọng nguồn cung cà phê niên vụ 2024/25 tại Brazil sẽ bị ảnh hưởng từ nắng nóng cũng đã được xoa dịu. Mưa trở lại với vùng trồng cà phê chính và nhiệt độ cũng dịu đi đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cây cà phê hồi phục sau đợt nắng nóng và phát triển tốt nhất trong giai đoạn tăng trưởng kích thước quả. Điều này có thể giúp thị trường tiếp tục duy trì kỳ vọng tích cực về sản lượng cà phê vụ tới tại quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Trái lại, thị trường Robusta vẫn lo ngại về khả năng đáp ứng đủ nguồn cung khi các đại lý cảnh báo nông dân Việt Nam đang hạn chế bán cà phê để chờ giá tốt hơn.
Theo các nhà quan sát, cà phê Robusta tại khu vực Đông Nam Á hiện rất khó mua do nhà nông đang kỳ vọng vào mức giá cao hơn, khiến giới kinh doanh phải nâng mức giá chênh lệch (DIF) lên khá cao so với giá kỳ hạn tại London.
Xuất khẩu cà phê tiếp tục được hưởng lợi do lo ngại về nguồn cung |
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng dự báo sản lượng cà phê trong niên vụ hiện tại 2023/2024 có thể giảm 10% xuống 1.656 triệu tấn, vụ mùa thấp nhất trong 4 năm, do thời tiết không thuận lợi. Tương tự, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cũng dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023/2024 của Việt Nam sẽ giảm xuống ở mức 1,6 - 1,7 triệu tấn.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương (VITIC), các thị trường cà phê lớn ở châu Á giao dịch chậm lại trong bối cảnh nhu cầu thấp đối với cà phê Robusta của Việt Nam trong tuần này.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2023 ước giảm 9,6% so với năm 2022, xuống còn 1,6 triệu tấn, dẫu vậy doanh thu xuất khẩu tăng 3,1% đạt 4,2 tỷ USD.
Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội 12 tháng năm 2023, Tổng cục Thống kê ước báo xuất khẩu cà phê trong tháng 12 đạt khoảng 190 ngàn tấn, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, đưa xuất khẩu cà phê cả năm 2023 ước đạt 1,606 triệu tấn, giảm gần 10% so với năm 2022.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (8/1), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ cũng đồng loạt tăng 400 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 67.700 - 68.600 đồng/kg.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết, dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023/2024 sẽ tăng 5,8% so với niên vụ 2022/2023, lên 178 triệu bao (60 kg/bao), trong đó sản lượng Arabica tăng 8,7% lên 102,2 triệu bao và Robusta tăng 2,2% lên 75,8 triệu bao.
Theo Báo Công Thương