Doanh nghiệp thủy sản chuyển hướng kinh doanh, xuất khẩu

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Trước những khó khăn và thách thức do suy giảm kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

 

Khách hàng nước ngoài tìm hiểu, truy xuất nguồn gốc tôm xuất khẩu của Việt Nam. 	Ảnh: T.H
Khách hàng nước ngoài tìm hiểu, truy xuất nguồn gốc tôm xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: T.H

Chú trọng thị trường nội địa

Hiện nay, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã chú trọng đầu tư cho sản phẩm để phát triển thị trường trong nước. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, trong lúc thị trường thế giới ngày càng khó khăn, tiềm năng thị trường nội địa còn rất lớn, để cân bằng cán cân cung cầu và giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp thủy sản đã dần hướng đến phát triển thị trường nội địa, đưa sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến với người tiêu dùng Việt Nam.

Hiện tại ngành thủy sản Việt Nam đã có trình độ chế biến cao với nhiều sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao. Nhiều doanh nghiệp có sự đầu tư công nghệ, thiết bị để gia tăng các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao như dầu ăn, collagen, gelatin… đã được phát triển nhờ kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Ông Hà Thanh, Tập đoàn Nam Việt (NAVICO) cho biết, Navico là một trong những công ty chế biến và sản xuất cá tra hàng đầu tại Việt Nam, với năng lực sản xuất khoảng hơn 450 tấn nguyên liệu cá tra/ngày. Để tận dụng nguyên liệu da cá tra, Navico đã hợp tác với Amicogen (Hàn Quốc) đầu tư dự án chiết xuất collagen và gelatin từ da cá tra. Đây là một phần trong tổ hợp chuỗi hệ thống sản xuất khép kín quy mô lớn của NAVICO và cũng là dự án chiến lược nằm trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ sản phẩm cơ bản sang các sản phẩm giá trị gia tăng, có hàm lượng kỹ thuật cao, mang đến nhiều giá trị, lợi ích cho xã hội... của tập đoàn này. Sau khi xuất khẩu sản phẩm collagen sang Hàn Quốc, NAVICO đang phối hợp với siêu thị trong nước mở rộng thị phần phân phối tại Việt Nam. Hiện công ty đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu sản phẩm giá trị gia tăng và tung ra thị trường các sản phẩm mới; triển khai giai đoạn 2 của nhà máy collagen, thúc đẩy hoạt động các kênh phân phối collagen thành phẩm.

Để thực hiện mục tiêu mở rộng thị phần trong nước, tại triển lãm quốc tế thủy sản vào cuối tuần qua, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã quảng bá hàng trăm sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp mình với người tiêu dùng trong nước, với tham vọng đem những sản phẩm xuất khẩu đi khắp thế giới tiếp cận thị trường trong nước góp phần vào sự tăng trưởng nhanh chóng ngành thực phẩm đầy tiềm năng của Việt Nam.

Tận dụng cơ hội nửa cuối năm

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam hiện được xếp vào nhóm các quốc gia có khả năng và năng lực cạnh tranh cao trong ngành thủy sản. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, thương mại của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã có thêm nhiều cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới cả về thị trường xuất khẩu và các vấn đề nội tại của ngành.

Đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản đã kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu vào những thị trường trọng điểm. Theo nhận định của VASEP, cơ hội xuất khẩu trong nửa cuối năm nay là rất lớn. Khi nước ta đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng của Mỹ và các lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, cước vận tải cũng đã có xu hướng giảm hơn so với thời điểm đầu năm 2024, sẽ tác động giảm chi phí, doanh nghiệp đang tập trung cho đơn hàng cuối năm.

Ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa chia sẻ, đơn hàng trong những tháng cuối năm nay tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm trước từ 10 đến 15%. Hiện tại đã có nhiều khách hàng nước ngoài đặt hàng của Anh Khoa Seafood, nên công ty đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu, tăng thời gian sản xuất để phục vụ cho tất cả các đơn hàng vào cuối năm nay.

Tại triển lãm quốc tế thủy sản cuối tuần qua tại TPHCM, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thủy sản đã trực tiếp giới thiệu sản phẩm, trao đổi trực tiếp với đối tác. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết, ngoài các sản phẩm truyền thống, hiện công ty đang tập trung sản phẩm chế biến sâu để xuất khẩu. Với hướng đi này, ngay tháng đầu năm 2024, kinh doanh của công ty đạt khá với doanh thu đạt 921 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 13% so với tháng 12/2023. Tất cả các thị trường chính của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra này đều ghi nhận mức phục hồi tốt. Trong đó, doanh thu tại thị trường Trung Quốc, Mỹ, và châu Âu lần lượt tăng 259%, 59%, và 33% so với tháng 1/2023. Nhờ sản phẩm chế biến sâu, lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 5.033 tỷ đồng, trong đó sản phẩm cá tra đạt 2.696 tỷ đồng, chiếm 53% tỷ trọng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo VASEP, trong thời gian còn lại của năm 2024, sự phục hồi của xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2024 và 12 tỷ USD vào năm 2030, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh sự phụ thuộc vào một vài thị trường. Đồng thời, tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP):

Tháo gỡ thủ tục cấp S/C khơi thông xuất khẩu hải sản

Doanh nghiệp thủy sản chuyển hướng kinh doanh, xuất khẩu
 

Cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản luôn chủ động và nỗ lực đồng hành với Chính phủ, Bộ NN&PTNT trong tuân thủ tốt các quy định kiểm soát có liên quan đến chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành hải sản khai thác. Trong quá trình hợp tác với các chủ thể của chuỗi sản xuất, xuất khẩu hải sản để có được đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ xác thực cho mỗi lô hàng, doanh nghiệp hải sản đã gặp khó khăn, trong đó có giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) tại các tỉnh, dẫn đến việc doanh nghiệp không thể có được hồ sơ cần thiết cho việc xuất khẩu các lô hàng hải sản sang châu Âu. Và đây cũng là thực trạng khiến hạn chế đáng kể việc tiêu thụ nguyên liệu cho ngư dân, cũng như giảm đáng kể các dòng hàng xuất khẩu sang EU.

Hiện nay, vẫn còn tình trạng tàu khai thác mất kết nối dữ liệu hành trình. Có thực trạng doanh nghiệp trong nhiều trường hợp dù đã nỗ lực tối đa nhưng vẫn không thể nắm chắc hay kiểm tra được nguyên liệu thu mua là hợp pháp hay không hợp pháp. Quy định hiện hành không cho doanh nghiệp được kiểm tra giám sát hành trình của tàu cá hoặc dữ liệu giám sát hành chính mà Ban quản lý cảng cá và chi cục được cấp sử dụng. Vì vậy, doanh nghiệp là chủ thể luôn ở thế bị động trong việc kiểm soát nguồn gốc và tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu khai thác.

Theo điều kiện thực tế tại các địa phương trong quản lý khai thác hải sản, thủ tục cấp S/C, khơi thông cho sản xuất, xuất khẩu hải sản cần phải được tháo gỡ.

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: