Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhờ động lực từ sự hồi phục của các thị trường lớn và giải pháp tăng cường chế biến sâu, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh doanh.
Dây chuyền chế biến cá tra tại Aquatex Bến Tre - Thành viên Pan Group. Ảnh: TL |
Doanh thu XK hồi phục
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 4 đạt 5,14 tỷ USD, tăng 19,7% so với tháng 4/2023. Cụ thể, xuất khẩu nông sản chính đạt 2,83 tỷ USD (tăng 29,2%), lâm sản 1,39 tỷ USD (tăng 18,6%), chăn nuôi 40,8 triệu USD (tăng 5,9%), đầu vào sản xuất 157 triệu USD (tăng 0,5%). Riêng thủy sản 730 triệu USD (giảm 1,5%). Tính chung 4 tháng, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 19,06 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu cà phê có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 2,5 tỷ USD, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là mặt hàng gạo, sau 4 tháng đã xuất khẩu được 3 triệu tấn, với kim ngạch 1,93 tỷ USD, tăng 13,5% về lượng và tăng 23,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng.
Tương ứng với sự tăng trưởng chung của cả nước, tình hình xuất khẩu tại các DN cũng mang lại kết quả khả quan trong quý đầu tiên của năm 2024. Cụ thể, tại PAN Group - tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, mảng tôm xuất khẩu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ so với mức nền thấp cùng kỳ năm 2023. Một số thị trường chính là Nhật Bản và Mỹ có sự tăng trưởng trở lại khá rõ rệt về đơn hàng. Theo đó, doanh thu trong kỳ của mảng tôm đạt 1.460,7 tỷ đồng, tăng gần 45% so với quý 1/2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 57,2 tỷ đồng, tăng trưởng 18%.
Doanh thu của Công ty CP Vĩnh Hoàn trong tháng 3/2024, đạt 1.089 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, Vĩnh Hoàn đạt doanh thu 2.811 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Tại Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) – DN chuyên chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ nha đam, thạch dừa, ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 9% trong quý 1/2024, đạt gần 119 tỷ đồng. Trong năm nay, GC Food có kế hoạch sẽ mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia…
Tăng chế biến, nâng cao hiệu quả
Trong thời gian tới, triển vọng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục khả quan khi nhu cầu hồi phục tại các thị trường lớn. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, nếu tận dụng tốt thời cơ, xuất khẩu rau quả năm nay sẽ đạt 6,5-7 tỷ USD.
Trong lĩnh vực thủy sản, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS chỉ ra rằng, sau khi tồn kho tại Mỹ bắt đầu giảm mạnh từ quý 4/2023, nhu cầu nhập khẩu cá tra đã có tín hiệu khả quan với những đơn đặt hàng mới. Bên cạnh đó, cá Minh Thái của Nga bị các nước EU áp mức thuế 13,7% từ đầu năm 2024, và Mỹ đã áp lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thuỷ sản có xuất xứ từ Nga từ cuối tháng 12/2023, vì thế cá tra Việt Nam tăng thêm lợi thế tại các thị trường Mỹ và EU. Giá cá rô phi Trung Quốc tăng cao do thiếu hụt nguồn cung cũng khiến cá tra Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn ở thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc kỳ vọng là thị trường xuất khẩu thuỷ sản trọng điểm của Việt Nam khi nền kinh tế có dấu hiệu tích cực sau dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ cá tra hồi phục. Bên cạnh đó, vị trí địa lý thuận lợi giúp chi phí vận tải thấp hơn so với các thị trường khác. Ngoài ra, việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu thuỷ sản từ Nhật Bản sẽ mang lại cơ hội cho Việt Nam.
Bên cạnh yếu tố tích cực trong hoạt động xuất khẩu, bản thân các DN cũng chủ động nhiều giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh. Điển hình như trong mảng cá tra xuất khẩu của PAN Group, dù sản lượng xuất khẩu trong quý 1/2024 thấp hơn cùng kỳ năm trước (doanh thu giảm nhẹ 1,6%), nhưng do dịch chuyển sang các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng nên biên lợi nhuận gộp ghi nhận tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tới 22%.
Các sản phẩm giá trị gia tăng của Group như tẩm bột, cắt khúc, chế biến ăn liền đã được các thị trường xuất khẩu dần chấp nhận, với lợi thế vùng nuôi và kiểm soát 100% chuỗi giá trị. Theo đó, PAN Group sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư máy móc thiết bị để mở rộng quy mô mảng này trong thời gian tới.
Trong khi đó, mảng bánh kẹo của PAN Group được thực hiện qua công ty thành viên là Bibica. Bibica đã xuất khẩu một số sản phẩm thế mạnh như bánh crackers, kẹo cứng, cookies, sang Nhật Bản, Hàn Quốc với sự đón nhận rất tốt. Điều này đã góp phần giúp Bibica đạt được tăng trưởng 51% về doanh thu và gần 5 lần lợi nhuận trong quý 1/2024.
Tương tự, tại Công ty CP Vĩnh Hoàn, trong khi doanh thu của mặt hàng chủ lực là cá tra giảm 2%, sản phẩm phụ cũng giảm 23%, nhưng thu từ sản phẩm hỗn hợp khác lại tăng 27%, đạt 176 tỷ đồng; sản phẩm collagen và gelatin tăng 43%, đạt 108 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu các sản phẩm từ gạo tăng trưởng mạnh 210%, đạt 34 tỷ đồng.
Tại Công ty CP Nafoods, trong quý 1/2024, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm trái cây chế biến của công ty tăng trưởng 5% so với cùng kỳ. Song do giá nguyên liệu đầu vào là chanh leo giảm nên doanh thu trong kỳ của Nafoods giảm gần 23%, ở mức 311 tỷ đồng. Mặc dù vậy, nhờ tiếp tục cải thiện hiệu quả quản trị chuỗi cung ứng nên biên lãi gộp được cải thiện, giúp lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 2%, đạt 13,6 tỷ đồng.
Theo Haiquanonline