Doanh nghiệp kỳ vọng thị trường 2024 sẽ “chạy” nhanh hơn

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Năm 2023, hai chữ “khó khăn” liên tục được nhắc đến. Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã giảm sâu, đi lùi so với năm trước, thậm chí nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh thua lỗ liên tục. Dù vậy, với tinh thần vượt khó của cộng đồng doanh nhân Việt Nam, cùng nhiều chính sách hỗ trợ, sự động viên và khuyến khích vươn lên từ các cấp lãnh đạo Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực cầm cự, trụ vững và tìm thời cơ cho sự vươn mình phát triển.

Doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm cơ hội cho năm 2024Kỳ vọng kinh doanh có lãi, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng sản xuất tại Việt NamThị trường bất động sản sẽ khởi sắc ngay từ những quý đầu năm 2024Nhiều kỳ vọng gia tăng xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong năm 2024
Ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia - tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới có giá trị thị trường gần 1.200 tỷ USD thăm Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cơ sở tại Cầu Giấy (Hà Nội) ngày 11/12/2023.	Ảnh: QM
Ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia - tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới có giá trị thị trường gần 1.200 tỷ USD thăm Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cơ sở tại Cầu Giấy (Hà Nội) ngày 11/12/2023. Ảnh: QM

Tìm “cửa sáng” cho tăng trưởng

GS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế quốc dân: Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi

Chính phủ đã có rất nhiều chính sách tốt hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm thuế, yêu cầu hạ lãi suất, cải cách thủ tục hành chính... nhưng việc thực thi các chính sách ở các cấp chưa thật sự phát huy hết hiệu quả. Để nền kinh tế tăng trưởng một cách bền vững, trong năm 2024, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tăng tổng cầu, cần phải tập trung vào các chính sách trọng cung như cải thiện về mặt thể chế cũng như pháp lý, tạo môi trường tốt nhất cho các thành phần của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

Làm thế nào để tạo cho doanh nghiệp một môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi nhất, đó mới là giải pháp tích cực và lâu dài. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp dựa trên nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh...

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA): Cần nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp

Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục là quốc gia hưởng lợi chính từ sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu hướng tới các trung tâm sản xuất cạnh tranh ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong Hiệp hội vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, năng lực tài chính, tài sản. Do vậy, việc tiếp vốn cho doanh nghiệp là quan trọng, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp để phục hồi và đón đầu các cơ hội trong năm 2024.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần quan tâm thúc đẩy cơ chế đặc thù, ưu đãi thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được hình thành tại Việt Nam. Giảm thiểu và cải thiện thủ tục hành chính còn bất cập đối với doanh nghiệp trong nước và FDI. Thêm vào đó là các giải pháp kết nối để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu giữa doanh nghiệp nội và quốc tế đến với Việt Nam.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas): Nắm bắt cơ hội để không bị bỏ lại phía sau

Ngành dệt may đang có những hạn chế nhất định, đó là vẫn sản xuất theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian cao, hiệu quả thấp và chưa có thương hiệu riêng để xuất khẩu... Vì thế, để tiếp tục phát triển trong thời gian tới thì đòi hỏi sự nỗ lực lớn của mỗi doanh nghiệp, nếu không nắm bắt cơ hội thì trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, các doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại phía sau.

Ước tính sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2023, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, doanh thu của May 10 đạt khoảng 4.200 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022, kết quả lợi nhuận cũng giảm tương tự nhưng mức giảm vẫn thấp hơn bình quân chung toàn ngành may mặc. Theo ông Việt, đáng khích lệ nhất là Công ty vẫn cố gắng tận dụng từng cơ hội kinh doanh, bảo toàn được các thị trường xuất khẩu, giữ vững năng lực sản xuất cũng như đảm bảo chất lượng và niềm tin với người tiêu dùng trong nước.

Để có được những thành công này, Tổng giám đốc May 10 cho hay, khác với những năm trước, khẩu hiệu của năm 2023 là “chọn việc khó” do xác định thị trường khó khăn sẽ không có việc dễ để làm, người lao động và cán bộ Công ty phải chủ động chọn việc khó. Từ việc mở rộng thêm thị trường mới trong khối ASEAN đến thâm nhập sâu hơn vào thị trường Australia và mở rộng thêm nhiều khách mới tại các thị trường truyền thống. Cùng với đó là phải linh hoạt trong tổ chức sản xuất.

Tương tự, với ngành gỗ, khi được phóng viên hỏi về tình hình kinh doanh năm 2023, đại diện Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cũng như không ít doanh nghiệp đã “lắc đầu” với việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đã đặt ra, nhất là khi thị trường đã khó mà các tiêu chuẩn đặt ra lại ngày càng khắt khe.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tiến Đạt chia sẻ, Công ty đã phải nỗ lực đáp ứng các yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững, sản xuất xanh tại các thị trường lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể là đầu tư về cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn quốc tế, phải làm việc với các đối tác nhập khẩu để đáp ứng các yêu cầu về cấm chặt phá rừng và bảo vệ môi trường từ đối tác EU mặc dù để làm được thì doanh nghiệp phải trả chi phí cao hơn, nhưng nguyên liệu có chứng chỉ và nguồn gốc rõ ràng thì mới thêm cơ hội gia tăng thị trường.

Thị trường đang “chạy” và sẽ mạnh hơn

Trải qua năm 2023 với “bão chồng bão” nhưng dự báo năm 2024 vẫn tiếp tục còn nhiều khó khăn do tình hình kinh tế còn nhiều yếu tố khó lường. Lãnh đạo May 10 cũng như nhiều doanh nghiệp khác đã bày tỏ sẽ cố gắng duy trì các biện pháp, chiến lược đạt hiệu quả như trong năm 2023.

Ông Thân Đức Việt nêu, tín hiệu phục hồi trong năm 2024 chưa thực sự rõ rệt, số lượng đang dần phục hồi nhưng về giá vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Công ty vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 7% về cả doanh thu và lợi nhuận so với năm 2023. Ông Nguyễn Văn Tuyên thì nhận định, thị trường đang “chạy” từ cuối năm 2023 nên kỳ vọng năm 2024 sẽ mạnh hơn. Hơn nữa, lãnh đạo Công ty Tiến Đạt cho biết sẽ tận dụng những cơ hội từ thương mại điện tử, các cơ quan thương vụ ở nước ngoài cùng các tổ chức quốc tế thông qua các triển lãm, hội chợ để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường cho mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2024.

Ngoài ra, với chiến lược ngoại giao và hội nhập sâu rộng, hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư và các tập đoàn đa quốc gia đã tới Việt Nam với mong muốn đưa đất nước ta thành cứ điểm về sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Những ngày cuối năm 2023, ông chủ của “gã khổng lồ” Mỹ trong sản xuất chip là Tập đoàn Nvidia đã có chuyến làm việc tại Việt Nam với kỳ vọng tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư kinh doanh và phát triển hệ sinh thái hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Từ cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở hạ tầng, tìm kiếm đối tác, thậm chí là tạo “bước ngoặt” trong chiến lược kinh doanh để tạo đà cho những kế hoạch phát triển năm 2024 và những năm tiếp theo. Chẳng hạn, với Công ty Cổ phần Tập đoàn TPG vốn là một doanh nghiệp phát triển bất động sản, đứng trước tiềm năng về công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp này đã đầu tư vào Cụm công nghiệp Hoàng Lâu tại Vĩnh Phúc với dự kiến sẽ khởi công vào quý 1/2024 và hoàn thành vào cuối năm. Theo ông Phạm Hải Đăng, Chủ tịch HĐQT TPG, đây là dự án có quy mô lớn, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Với những chiến lược như vậy, kết quả điều tra tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều tỏ ra khá lạc quan. Đơn cử, mới đây, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JETRO) cho biết, hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh sẽ cải thiện trong năm 2024.

Theo Báo Hải Quan

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: