Doanh nghiệp gỗ nỗ lực tìm kiếm đơn hàng cho năm 2024

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Áp lực đơn hàng trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất đang không ngừng nỗ lực tìm kiếm giải pháp để gia tăng khách hàng và đơn hàng mới với kỳ vọng phục hồi ở năm 2024.

Vẫn đối mặt với nhiều áp lực

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 10 đạt 1,2 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Đặng Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh, cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu đều có xu hướng giảm mạnh, nguyên nhân là do giá nhiên liệu đầu vào và năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp ngành gỗ.

Bên cạnh đó, yếu tố lạm phát còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng và nền kinh tế thế giới hồi phục còn chậm vẫn tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU…

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chia sẻ: “Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với mặt mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam. Trong khi đó, phòng vệ thương mại giữa các quốc gia có nhiều diễn biến phức tạp khi ngành gỗ đối mặt với các vụ kiện về ván dán và các vụ điều tra về mặt hàng tủ bếp và bản trang điểm đối với thị trường Mỹ.”

Có thể thấy, những tín hiệu ngành gỗ sẽ khởi sắc trong năm 2023 còn chưa rõ ràng. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp đều đang tìm kiếm thêm nhiều giải pháp, đẩy mạnh xúc tiến thị trường để gia tăng đơn hàng trong năm 2024.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Theo các doanh nghiệp, trong thời gian tới việc tập trung vào tiêu chí giá tốt, phù hợp với thị hiếu, sản phẩm đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt… là một trong những giải pháp hàng đầu để gia tăng đơn hàng.

Ngoài ra, dưới góc độ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco), ông Trần Quốc Mạnh chia sẻ: “Doanh nghiệp đang rất tích cực tìm kiếm khách hàng thông qua việc chuyển các nguyên liệu truyền thống sang nguyên liệu thân thiện với môi trường để tham gia vào chuỗi kinh tế tuần hoàn và đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng hiện nay. Hiện tại, Sadaco đã có đơn hàng cho quý I/2024, thế nhưng các đơn hàng đã hoàn toàn khác so với thời gian trước khi yêu cầu về giá cả thấp hơn, quy mô đơn hàng nhỏ hơn…”

Do đó, trong bối cảnh ngành gỗ đang từng bước phục hồi, việc thường xuyên tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường mới, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm của các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm gỗ đến từ nước ngoài.

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh TP.HCM (VCCI) phối hợp với Công ty Cổ phần Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh và Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã tổ chức họp báo nhằm cung cấp những thông tin mới về Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO) lần thứ 15 năm 2024 và Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN 2024 (VIFA ASEAN).

Theo đó, tiếp nối thành công của các kỳ hội chợ VIFA EXPO tháng 3/2023 và VIFA ASEAN tháng 8/2023, Công ty cổ phần Thủ công mỹ nghệ Gỗ Liên Minh sẽ tiếp tục tổ chức các hội chợ này trong năm 2024 và 2025.

Cụ thể, những con số biết nói của VIFA EXPO 2023 khi hội chợ nhận được sự đồng hành của 612 doanh nghiệp từ 17 quốc gia và 19 tỉnh thành của Việt Nam tham gia với quy mô 2.410 gian hàng và thu hút hơn 18.000 khách tham quan… đã góp phần không nhỏ để khẳng định, ngành nội thất và chế biến gỗ Việt Nam đã và đang dẫn dắt tốt thị trường với “sân chơi” quy mô, hiệu quả.

Trong năm 2024, VIFA EXPO lần thứ 15 dự kiến sẽ thu hút hơn 600 doanh nghiệp với hơn 2.000 gian hàng và quy tụ số lượng lớn các nhà cung cấp, nhà sản xuất uy tín trong và ngoài nước. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ 46% và doanh nghiệp nước ngoài chiếm tỷ lệ 54%. Sản phẩm nội thất trưng bày tại hội chợ chiếm 60%; còn lại là sản phẩm trang trí, thủ công mỹ nghệ, máy móc, phụ kiện, dịch vụ chiếm 40%.

Ngoài VIFA EXPO, hội chợ VIFA ASEAN lần thứ 2 (sẽ được tổ chức từ ngày 27-30/8/2024) được định hướng mở rộng quy mô gấp đôi về số lượng gian hàng, doanh nghiệp tham gia trưng bày so với năm 2022. Cụ thể, hội chợ có kế hoạch thu hút 400 doanh nghiệp tham gia trên quy mô 1.200 gian hàng, đặc biệt là sự tham gia của các nước ASEAN.

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: