Điều hành NSNN đạt nhiều kết quả khả quan

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Ngày 23/10, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV chính thức khai mạc với thời gian làm việc dự kiến là 22 ngày. Trong 2 đợt làm việc (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11, đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 28/11), Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Phấn đấu thu NSNN năm 2023 vượt dự toán

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV sẽ xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế-xã hội, NSNN, thực hiện công tác lập pháp (thông qua 9 dự án luật, cho ý kiến đối với 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết), thực hiện các hoạt động giám sát tối cao (giám sát theo chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm) và quyết định những vấn đề quan trọng khác của đất nước. Nhấn mạnh khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 6 rất lớn, nhiều vấn đề khó, phức tạp, đặt ra yêu cầu cao, Chủ tịch Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội thực hiện hiệu quả hơn nữa vai trò và trọng trách của người đại biểu nhân dân; đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, phát huy tinh thần dân chủ đối với từng nội dung của kỳ họp.

Tại phiên khai mạc, báo cáo trước Quốc hội kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, chỉ đạo giảm liên tiếp 4 lần lãi suất điều hành; miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất (thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất khoảng 200 nghìn tỷ đồng). Nhờ đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Trong đó, thu NSNN 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao (trong khi vẫn thực hiện miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75 nghìn tỷ đồng). Bội chi NSNN và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026.

Đề ra mục tiêu tổng quát cho năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; dự toán thu NSNN tăng khoảng 5%; bội chi NSNN dưới 4%GDP. Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, lãnh đạo Chính phủ cùng các bộ, ngành tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch. Trong lĩnh vực tài chính, thực hiện hiệu quả tăng thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nhất là đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; ban hành kịp thời các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện chính sách đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN theo hướng tăng cường tính chủ đạo của ngân sách trung ương (cả thu NSNN và chi đầu tư phát triển); nâng cao tính chủ động, tích cực, linh hoạt của ngân sách địa phương.

Dự toán thu ngân sách năm 2024 tăng 5% là khá tích cực

Theo chương trình của kỳ họp, ngày 23/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện NSNN năm 2023, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, kế hoạch tài chính-NSNN 3 năm 2024-2026. Theo người đứng đầu ngành Tài chính, thu NSNN thực hiện 9 tháng đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn và Chính phủ, Quốc hội đã triển khai thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất, ước thu NSNN cả năm 2023 khoảng 1.620,8 nghìn tỷ đồng, bằng dự toán Quốc hội giao; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt khoảng 15,7% GDP. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước giảm khoảng 10-15 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách địa phương tổng thể ước tăng khoảng 10-15 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Nếu tính cả khoảng 75 nghìn tỷ đồng giảm thu do thực hiện chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế thì thu NSNN cả năm ước đạt 1.695,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 4,6% so với dự toán, là mức tích cực trong bối cảnh hiện nay.

Về chi NSNN, ước thực hiện 9 tháng đạt 1.239,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán. Trên cơ sở Chính phủ và các địa phương chỉ đạo tập trung giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi chặt chẽ trong phạm vi dự toán, ước chi NSNN cả năm khoảng 2.035,9 nghìn tỷ đồng, giảm 40,3 nghìn tỷ đồng (-1,9%) so dự toán. Phấn đấu giải ngân đầu tư công cả năm đạt khoảng 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Căn cứ đánh giá thu và chi, ước bội chi NSNN năm 2023 khoảng 415,2 nghìn tỷ đồng (giảm 40,3 nghìn tỷ đồng so dự toán), khoảng 4% GDP. Đến cuối năm 2023, các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Đối với năm 2024, dự toán thu NSNN năm 2024 khoảng 1.700,9 nghìn tỷ đồng, tăng 80,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 5%) so với dự toán và ước thực hiện năm 2023; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 15,3% GDP. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dự toán năm 2024 được xây dựng đã dự tính tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2024. Đây là mức dự toán tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Bám sát mục tiêu Kế hoạch 5 năm theo nghị quyết của Quốc hội, dự toán bội chi NSNN năm 2024 là 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,6% GDP. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ nằm trong phạm vi Quốc hội cho phép. Với mức thu và bội chi NSNN như trên, dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2024 khoảng 2.100,3 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1 nghìn tỷ đồng (1,2%) so với dự toán năm 2023. Nếu tính cả số thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán chi năm 2024 của một số địa phương (khoảng 19 nghìn tỷ đồng) thì tổng chi cân đối NSNN năm 2024 khoảng 2.119,4 nghìn tỷ đồng.

Thẩm tra các nội dung này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đánh giá, mặc dù nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, công tác điều hành NSNN đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, tình hình thu NSNN ước hoàn thành dự toán nhưng thực chất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thu nội địa giảm, điều này cho thấy tình hình kinh tế còn khó khăn. Thu ngân sách địa phương có sự không đồng đều, nhiều địa phương ước không đạt dự toán, do vậy các địa phương cần phấn đấu hoàn thành dự toán. Về chi NSNN, Uỷ ban Tài chính -Ngân sách cần làm rõ nguyên nhân chưa giao hết kế hoạch vốn đầu tư phát triển đã được quyết định. Ngoài ra tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển trong 8 tháng đã có cải thiện so với cùng kỳ 2022, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, cần tiếp tục có giải pháp cụ thể, quyết liệt, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện cam kết giải ngân, chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Về dự toán NSNN năm 2024, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, phương án dự toán thu tăng 5% so với số ước thực hiện năm 2023 là khá tích cực trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng kinh tế khoảng 6%-6,5%, lạm phát khoảng 4%-4,5%. Tuy nhiên, thu NSNN vẫn chứa yếu tố rủi ro, thiếu bền vững, khi thu từ đất có mức tăng lớn. Trong dự toán chi, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý cần đánh giá tổng thể về thực hiện chính sách cải cách tiền lương, cân đối nguồn lực 2024-2026, dự báo đến 2030 để bảo đảm tính khả thi, lâu dài theo đúng tinh thần của Nghị quyết 

27-NQ/TW. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, có chính sách động viên bổ sung nguồn thu trong giai đoạn tiếp theo; đồng bộ điều chỉnh mức lương cơ sở với đổi mới, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với vị trí việc làm.

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: