Đề xuất áp thuế VAT 10% đối với dịch vụ xuất khẩu được đánh giá là không khuyến khích xuất khẩu dịch vụ và sẽ dẫn đến thuế chồng thuế.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế đã cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% với dịch vụ xuất khẩu được Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi), ông bình luận gì về việc này?
Điều 9.1 của dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) theo hướng sẽ đánh thuế đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu, mà không cho phép hưởng thuế suất 0% như trước đây. Các lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu vẫn được hưởng thuế suất 0% chỉ còn vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam và một số dịch vụ liên quan. Các lĩnh vực dịch vụ khác sẽ phải chịu thuế suất tương ứng (về cơ bản là mức 10%).
Đề xuất áp thuế VAT với dịch vụ xuất khẩu được nhận định lợi bất cập hại (Ảnh minh họa) |
Lý do của sửa đổi này là do thời gian qua, cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phân biệt doanh thu nào đến từ dịch vụ được xuất khẩu, doanh thu nào đến từ dịch vụ được tiêu dùng trong nước.
Điều này theo tôi là không phù hợp bởi định hướng của Việt Nam là đang ưu tiên xuất khẩu. Hiện, trong hoạt động thương mại có thặng dư, nhưng dịch vụ xuất khẩu lại bị thâm hụt, thậm chí thâm hụt nhiều. Vì thế, muốn đẩy mạnh dịch vụ xuất khẩu thì chúng ta càng không thể đánh thuế.
Mặt khác, lý do đưa ra là không phân biệt được doanh thu nào đến từ dịch vụ được xuất khẩu, doanh thu nào đến từ dịch vụ được tiêu dùng trong nước thì lại càng không nên. Đừng vì việc khó phân biệt mà cơ quan chức năng đánh thuế tất cả.
Chưa nói đến lĩnh vực dịch vụ là một trong những lĩnh vực quan trọng để từ đó có thể thay đổi kết cấu của nền kinh tế mà hiện nay chúng ta đang mong muốn đó là tăng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ, công nghiệp trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc dịch vụ xuất khẩu phải đi đầu.
Tuy nhiên, với việc dịch vụ xuất khẩu chưa được bao nhiêu, nhưng đã đề xuất đánh thuế VAT, việc này đồng nghĩa với việc chúng ta đang cản đường hay nói cách khác là dùng “phanh hãm” dịch vụ xuất khẩu dừng lại. Điều này đi ngược lại với việc mong muốn tái cấu trúc nền kinh tế.
Rõ ràng, xét trên các phương tiện thì việc áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu là không hợp lý.
Ngoài ra, việc thu thuế VAT đối với dịch vụ xuất khẩu sẽ dẫn đến thuế chồng thuế, qua đó làm cho xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam có giá đắt hơn vì bị đánh thuế VAT hai lần (vừa chịu thuế VAT tại Việt Nam, vừa chịu thuế VAT tại nước nhập khẩu dịch vụ). Việc này vừa không công bằng, không khuyến khích doanh nghiệp nội địa vươn ra xuất khẩu.
Thanh tra, kiểm tra thuế là công việc của cơ quan nhà nước, nếu khó phải khắc phục bằng biện pháp kỹ thuật, kiểm tra xác suất. Khó khăn đến đâu cũng phải phân loại, bóc tách hàng hóa để tránh đánh thuế hai lần trên cùng một phân đoạn, sản phẩm.
Công cụ quản lý bằng thuế đối với dịch vụ xuất khẩu như ông chia sẻ rõ ràng là không hợp lý. Vậy đâu sẽ là giải pháp, thưa ông?
Theo tôi, việc này không có gì là quá khó, bởi khi đã xuất khẩu thì với bất kỳ sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ đều phải chuyển tiền qua ngân hàng. Chưa nói đến việc các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đều có các hợp đồng.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế |
Vấn đề quan trọng là quản lý dòng tiền này từ ngân hàng. Ngành thuế cần kết hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng. Theo đó, những dòng tiền ra vào quốc gia, nếu vượt ra khỏi giới hạn nào đó thì bắt buộc phải báo cáo. Và ngân hàng phải giám sát việc này.
Trước đây, các nước còn có thuế đánh vào xuất khẩu hàng hóa nhưng hiện nay không nước nào đánh vào thuế xuất khẩu, trừ những mặt hàng liên quan đến tài nguyên, thiên nhiên, khoáng sản không thể phục hồi thì họ mới đánh thuế. Chúng ta phải khuyến khích xuất khẩu chứ không thể "buộc lại".
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam?
Theo cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu dịch vụ toàn cầu đã tăng từ mức hơn 400 tỷ USD trong những năm đầu của thập kỷ 80 lên hơn 7.210 tỷ USD năm 2022. Đặc biệt, từ năm 2003 đến nay, tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ xuất khẩu toàn cầu đạt trên 6,5%.
Trong các loại hình dịch vụ xuất khẩu, dịch vụ vận tải quốc tế (được hưởng thuế suất 0% tại Dự thảo) chiếm tỷ trọng lớn, nhưng tỷ trọng này ngày càng giảm, từ mức 30% năm 1982 xuống 17% năm 2020 (trước Covid), và được thay thế bằng các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin (ICT). Tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ ICT toàn cầu trung bình 12,3% từ năm 2004 đến nay với tốc độ ngày càng nhanh kể từ Covid.
Hiện nay, xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển rất lớn. Năm 2023, Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt khoảng 20 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11% mỗi năm, cao hơn so với tăng trưởng GDP. Hơn nữa, hoạt động xuất khẩu dịch vụ thường không yêu cầu vốn đầu tư quá lớn nên phù hợp với một nền kinh tế thiếu vốn như Việt Nam.
Rõ ràng, dịch vụ xuất khẩu là một trong những thế rất mạnh của các doanh nghiệp Việt. Đặc biệt trong thời đại kinh tế số như hiện nay, việc chúng ta xuất khẩu các dịch vụ tài chính, kế toán,… là những thế mạnh. Nếu chúng ta biết khơi dậy tiềm năng, tổ chức, tìm nguồn và hợp tác thì xuất khẩu dịch vụ của chúng ta sẽ thăng hóa trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, nếu phải chịu thuế suất VAT 10% khi xuất khẩu sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của Việt Nam gặp khó cạnh tranh với đối thủ đến từ quốc gia khác. Do đó, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đến các nhà đầu tư của Việt Nam tìm cách chạy ra nước ngoài để đầu tư. Việc này không chỉ chảy máu chất xám, vừa không thu được ngoại tệ.
Xin cảm ơn ông!