Cục trưởng Vũ Bá Phú: Hiệu quả lớn từ các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại hàng tháng đã trở thành diễn đàn kết nối doanh nghiệp - Thương vụ - hiệp hội ngành hàng, thúc đẩy xuất khẩu.

Tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu diễn ra tại Italia ngày 18 và 19/7/2024 vừa qua, báo cáo kết quả khảo sát công tác tổ chức Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về việc tăng cường, nâng cao chất lượng cung cấp, tư vấn thông tin thị trường nước ngoài cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan quản lý liên quan trong nước, từ tháng 7/2022 đến nay, Bộ Công Thương đã tổ chức 22 kỳ Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Việt Nam đã cung cấp chi tiết gần 770 báo cáo cập nhật thông tin thị trường, khoảng 170 nội dung tham luận. Các Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá, hơn 500 lượt đề xuất, kiến nghị đã được xử lý, giải quyết. Đạt được kết quả này là do sự cố gắng, tinh thần trách nhiệm cao của các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài trong việc phối hợp tổ chức thành công các Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại, cũng như hỗ trợ tích cực và hiệu quả các địa phương, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp triển khai hoạt động Xúc tiến thương mại phát triển thị trường tại địa bàn.

Cục trưởng Vũ Bá Phú: Hiệu quả lớn từ các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú phát biểu tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu diễn ra ngày 18 và 19/7/2024

Hiệu quả từ các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại

Dựa trên các ý kiến, đánh giá của các Thương vụ, có thể thấy các Thương vụ đều có những nhận định tích cực về hiệu quả đạt được từ các hội nghị giao ban hàng tháng. Những kết quả chính mà các Thương vụ ghi nhận qua các kỳ hội nghị cụ thể như sau:

Thứ nhất, các Hội nghị có ý nghĩa rất thiết thực trong việc cung cấp những nguồn thông tin hữu ích cho hoạt động của các Thương vụ, cập nhật thông tin tình hình thị trường sản xuất, xuất khẩu từ các địa phương và doanh nghiệp, giúp Thương vụ nắm bắt được nhiều thông tin thị trường của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong nước và tại các địa bàn để giới thiệu với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đối tác nhập khẩu, phân phối nước sở tại.

Thứ hai, giúp các Thương vụ cập nhật một cách thực tế và kịp thời các nhu cầu từ các sở ban ngành, địa phương, hiệp hội trong việc mở rộng thị trường, kế hoạch thực hiện hoạt động Xúc tiến thương mại của các địa phương, doanh nghiệp tại địa bàn từ đó có sự phối hợp với Thương vụ trong triển khai, thực hiện, xây dựng những giải pháp hỗ trợ phù hợp; giúp nắm bắt tốt hơn các chỉ đạo của Bộ, cập nhật các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước để kịp thời định hướng cho các hoạt động công tác và phổ biến, cập nhật các chính sách quản lý của nước sở tại tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ ba, đây là diễn đàn cần thiết để giúp các Thương vụ giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị khác; thiết lập mở rộng đầu mối liên hệ công tác với các cơ quan, hiệp hội và doanh nghiệp trong nước, tạo thuận lợi cho công tác kết nối doanh nghiệp; tăng cường phối hợp công tác trong triển khai nhiệm vụ của Thương vụ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các Hội nghị cũng đã tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc của Thương vụ trong quá trình phối hợp tham gia Chương trình giao ban Xúc tiến thương mại hàng tháng như: sự khác biệt về múi giờ; các điều kiện cơ sở vật chất giới hạn; khó khăn trong việc tham dự Hội nghị hàng tháng, do một số địa bàn Thương vụ phải đón nhiều đoàn trong nước hoặc đi công tác địa phương, dẫn đến việc bị trùng lịch công tác; khó khăn trong việc lấy thông tin đầy đủ về doanh nghiệp mà Thương vụ liên quan đến nội dung phát biểu và trả lời...

Kiến nghị từ Thương vụ

Cũng theo Cục trưởng Vũ Bá Phú, tại các Hội nghị giao ban, đa số các Thương vụ mong muốn tăng cường sự tương tác giữa các Thương vụ và địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng. Đồng thời kiến nghị nội dung Hội nghị nên có sự tập trung vào các vấn đề phát sinh cần giải quyết và các diễn biến, tình hình mới để nội dung được ngắn gọn và thiết thực; kiến nghị chia thành hai hình thức giao ban: Giao ban định kỳ hàng quý và giao ban theo chuyên đề...

Ngoài ra, kiến nghị tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin, tương tác với các đơn vị mang tính cụ thể, đi sâu; giảm bớt thông tin chung chung. Đưa ra những kế hoạch cụ thể, thiết thực và có phương án triển khai. Mỗi kỳ giao ban tập trung vào một lĩnh vực cụ thể, một vài thị trường trọng điểm và kế hoạch thúc đẩy xúc tiến thương mại cho từng thị trường đó; phân công phát triển cụ thể mặt hàng và nhóm mặt hàng xuất khẩu phù hợp với khu vực thị trường và từng thị trường; có thêm nhiều chương trình xúc tiến thương mại kết hợp giao ban tại các thị trường hoặc nhóm thị trường. Thực hiện đan xen các buổi giao ban mang tính chuyên đề với các giao ban xúc tiến thương mại thông thường hoặc/và thông tin chính sách mới...

Cục trưởng Vũ Bá Phú: Hiệu quả lớn từ các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm tại châu Âu

Trong năm 2025, để công tác giao ban xúc tiến thương mại đạt được nhiều hiệu quả cao hơn, các hệ thống Thương vụ kiến nghị, các Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại tập trung theo các ưu tiên nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Công Thương, trong đó có lĩnh vực năng lượng, dệt may, da giày, đồ gỗ và nội thất, cơ khí, nông lâm thuỷ sản, hợp tác cảng biển, logistic, rà soát và tháo gỡ rào cản kỹ thuật và Thương mại.

Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp; Giới thiệu cập nhật những văn bản pháp luật mới, các chủ chương, chính sách mới của nhà nước liên quan tới các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu và thúc đẩy kết nối giao thương; Tập trung vào chuyên đề ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu, tháo gỡ các khó khăn rào cản để doanh nghiệp tiếp cận với thị trường. Lựa chọn mặt hàng xuất khẩu phù hợp với từng thị trường và khu vực thị trường; Tiếp tục tăng cường khai thác các chương trình xúc tiến thương mại theo các vùng miền.

“Chìa khóa” để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm tại châu Âu, đặc biệt tận dụng tối đa dư địa thị trường, phát huy hiệu quả do các hiệp định thương mại tự do mang lại... qua đó đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số thị trường, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động Xúc tiến thương mại trên các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp tiếp cận được. Trong đó ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin thị trường, cơ hội xúc tiến thương mại, phối hợp với các Thương vụ, Hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh hơn nữa và nâng cao hiệu quả triển khai các hoạt động tuyên truyền xuất khẩu tại các thị trường nước ngoài.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định, cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển công tác Xúc tiến thương mại tại các thị trường sở tại, là cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước và thị trường quốc tế trong việc cung cấp thông tin chi tiết về thị trường, hỗ trợ kết nối giao thương, và thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động Xúc tiến thương mại trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại có một số đề xuất, kiến nghị với các đồng chí Tham tán Thương mại và các Thương vụ tại châu Âu như sau:

Thứ nhất, đề nghị hệ thống thương vụ Việt Nam ở châu Âu tiếp tục phối hợp hiệu quả với Cục Xúc tiến thương mại duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại hàng tháng để thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, những cơ hội giao thương và khuyến nghị đối với các cho địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như cơ quan quản lý trong nước.

Thứ hai, phối hợp quảng bá, tuyên truyền và tổ chức Đoàn vào giao dịch tại các Hội chợ Triển lãm quốc tế lớn tại Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì thường niên như: Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Vietnam Foodexpo 2024 (từ ngày 13-16/11/2024); Triển lãm Thương mại quốc tế và May mặc, Dệt may và Công nghệ dệt may Việt Nam - VIATT 2025 (tháng 2/2025); Hội chợ thương mại quốc tế Vietnam Expo 2025 (tháng 4/2025).

Thứ ba, tăng cường giới thiệu các Hội chợ triển lãm, sự kiện Xúc tiến thương mại quốc tế lớn, uy tín tại nước sở tại theo chuyên ngành mà các doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam cần tham dự.

Thứ tư, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư theo quy mô vùng kinh tế (06 vùng) của Bộ Công Thương. Đây là chương trình Xúc tiến thương mại và đầu tư do Bộ Công Thương tổ chức nhằm quảng bá sản phẩm xuất khẩu của các vùng kinh tế, kết nối giao thương cho các vùng kinh tế với các khu vực thị trường trên thế giới với tên gọi là "Winning with Vietnams".

Thứ năm, phối hợp trong công tác tuyên truyền quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tại các sự kiện ngoại giao, kinh tế ở nước sở tại. Đồng thời, Cục cũng đề nghị các Thương vụ quảng bá sản phẩm ngành hàng, sản phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trên các phương tiện truyền thông số. Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục cung cấp các sản phẩm truyền thông số sẵn có cho các Thương vụ hàng năm.

Thứ sáu, tham gia vào các ứng dụng và nền tảng trong hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số, để tăng cường kết nối với các doanh nghiệp trong hệ sinh thái, từ đó có thể nắm bắt được nhu cầu cũng như xây dựng mạng lưới để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu giao thương với thị trường quốc tế cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài tìm đối tác phù hợp tại Việt Nam.

Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại cũng đề nghị các Thương vụ hỗ trợ trong công tác quảng bá truyên truyền hệ sinh thái úc tiến thương mại số đến các tổ chức thương mại và doanh nghiệp tại thị trường nước sở tại, và tăng cường hợp tác quốc tế bằng việc phối hợp chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia phát triển về việc xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Cục Xúc tiến thương mại sẽ có tài liệu hướng dẫn và tổ chức các chương trình tập huấn riêng cho hệ thống Thương vụ trong thời gian tới.

Theo Báo Công Thương

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: