Công nghệ thông tin hải quan giúp khơi thông dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, khơi thông dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu, một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Hải quan là đảm bảo vận hành các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ việc khai báo hải quan của doanh nghiệp và nhiệm vụ thông quan hàng hóa của cơ quan Hải quan. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đã và đang nỗ lực, tập trung nguồn lực triển khai xây dựng hệ thống CNTT thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Hải Dương (Cục Hải quan Hải Phòng). 	Ảnh: T.Bình
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Hải Dương (Cục Hải quan Hải Phòng). Ảnh: T.Bình

Đảm bảo thông quan thông suốt

Hệ thống VNACCS/VCIS được Chính phủ Nhật Bản viện trợ, bàn giao cho Tổng cục Hải quan đưa vào sử dụng từ năm 2014 là hệ thống cốt lõi của Hải quan Việt Nam, đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động thông quan, xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa và nền kinh tế của Việt Nam.

Việc đưa vào vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS thời điểm đó là một bước đột phá trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

Đặc biệt, ý nghĩa lớn nhất của VNACCS/VCIS chính là giúp Hải quan Việt Nam hoàn thành được mục tiêu xây dựng một Hệ thống CNTT tập trung, tạo nền tảng để triển khai tất cả các chương trình hiện đại hóa sau này.

Những lợi ích to lớn của Hệ thống VNACCS/VCIS trong những năm qua là không thể phủ nhận và đã được lãnh đạo các cấp, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm đưa vào hoạt động, Hệ thống đang quá tải, bởi thời điểm đưa vào vận hành, lượng tờ khai chỉ vài triệu bộ/năm, nhưng hiện nay con số này đã lên khoảng hơn 15 triệu bộ tờ khai/năm. Quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2014 mới đạt hơn 298 tỷ USD nhưng đến năm 2022 đã tăng lên hơn 730 tỷ USD (gấp gần 2,5 lần năm 2014).

Mặt khác, các dữ liệu kèm theo tờ khai cũng rất lớn. Trong khi dịch vụ bảo hành mở rộng đối với hầu hết các trang thiết bị phần cứng đã hết hạn…

Để khắc phục hạn chế nêu trên, đáp ứng yêu cầu xây dựng Hải quan số, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Hải quan, ngày 15/9/2023, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1957/QĐ-BTC phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Xây dựng hệ thống CNTT thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan”.

Có khả năng tích hợp và mở rộng

Dự án “Xây dựng hệ thống CNTT thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan” nhằm xây dựng và triển khai hệ thống CNTT phục vụ các hoạt động nghiệp vụ hải quan giai đoạn trong thông quan thay thế cho Hệ thống VNACCS/VCIS.

Hệ thống có khả năng mở rộng và tích hợp với các hệ thống CNTT hiện tại trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; hướng tới quản lý doanh nghiệp, hàng hóa XNK, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối.

Đồng thời có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới, xây dựng Hải quan Việt Nam thành Hải quan số. Hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu các nghiệp vụ trong thông quan bao gồm phần mềm, phần cứng, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo người sử dụng đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ trong thông quan và các bài toán nghiệp vụ khác có liên quan, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống đồng thời tuân thủ kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số; kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số.

Dự án sẽ đáp ứng yêu cầu thực hiện xử lý 22 bài toán nghiệp vụ, thuộc các lĩnh vực nghiệp vụ như: giám sát quản lý về hải quan, thuế XNK, quản lý rủi ro, cải cách hiện đại hóa, kiểm định hải quan với dự kiến số lượng chức năng của hệ thống khoảng 2.500 chức năng.

Sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo quyết liệt và toàn Ngành tập trung nguồn lực để khẩn trương triển khai các nội dung công việc liên quan để phấn đấu sớm đưa hệ thống vào hoạt động.

Tại Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2023 với chủ đề “Chuyển đổi số ngành Thuế và Hải quan tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp” tổ chức ngày 8/11/2023 tại Hà Nội, lãnh đạo Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Theo Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến năm 2025, ngành Hải quan cơ bản hoàn thành Hải quan số. Trong đó trọng tâm là hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới Hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống.

 

Các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 như: 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (đến năm 2030 phấn đấu chỉ tiêu đạt 100%); 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được quản lý dưới dạng dữ liệu số…

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: