Chi tiết tin Ngành logistics Việt Nam: Phát triển công nghệ và gia tăng dịch vụ giá trị

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Theo nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố, Việt Nam xếp hạng 10/50 thị trường logistics mới nổi. Ngành dịch vụ logistics đã từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và hoạt động xuất - nhập khẩu. Tuy nhiên, để hướng đến cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, gia tăng tính cạnh tranh, đáp ứng theo các chuẩn mực quốc tế thì cần phải phát triển công nghệ và gia tăng dịch vụ giá trị ngành logistics.

Chỉ số hiệu quả logistics Việt Nam thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN

Theo báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2023 do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố, Việt Nam xếp hạng 10/50 thị trường logistics mới nổi, tăng 1 bậc so với năm trước. Với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hằng năm từ 14 - 16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Tuy nhiên, trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố trong tháng 4/2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43, tụt 4 hạng so với thứ 39 của năm 2018.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Giao nhận vận tải Đông Nam Á (AFFA), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) lý giải, sự sụt giảm về vị trí của Việt Nam trong LPI 2023 phản ánh hệ quả của sự lúng túng trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua. Các biện pháp phong tỏa đã kéo dài thời gian vận chuyển, gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất tiêu dùng và vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng LPI 2023. Trong đó, 3 chỉ số thành phần giảm gồm thời gian giao hàng, năng lực và chất lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics, khả năng theo dõi và truy xuất hàng hóa. Tuy nhiên, điểm LPI tăng lên mức 3,3 điểm so với 3,27 điểm năm 2018, Việt Nam thuộc nhóm 5 trong khối ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines cho thấy Việt Nam đang dần cải thiện, đặc biệt về chỉ số thành phần về hiệu quả quy trình thông quan và chất lượng cơ sở hạ tầng có sự tăng điểm số rõ rệt nhất.

Thời gian qua, các doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tích cực đẩy nhanh chuyển đổi số, đồng thời nhanh chóng ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh, tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo LPI 2023, số hóa chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi, đang cho phép rút ngắn thời gian trễ cảng lên đến 70% so với các nước phát triển.

Thiếu liên kết là “lực cản” của ngành logistics

Với 90% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc ứng dụng logistics thông minh còn nhiều hạn chế. Cụ thể, quy mô và tính chất ứng dụng công nghệ chưa cao, chủ yếu là dịch vụ khai báo hải quan, thanh toán thuế, quản lý hành trình xe vận chuyển hàng hóa, quản lý kho bãi... Rào cản làm cho logistics thông minh chưa được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam, trước hết là hạn chế về tư duy nhận thức, những lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp, thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực; thiếu đồng bộ trong chính sách cho chuyển đổi số.

Việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển... Ngoài các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp xuyên quốc gia, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tích hợp (3PL và 4PL) chưa nhiều và chưa đủ mạnh để cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trên thị trường Việt Nam. Sự hợp tác, kết nối giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics (nhà sản xuất, chủ hàng hóa xuất - nhập khẩu) còn nhiều vấn đề cần kịp thời tháo gỡ. Trung tâm logistics chưa phát triển, nhất là trung tâm logistics mang tính chất vùng để tập trung hàng hóa và phục vụ trực tiếp cho hàng nông sản, thủy sản sau thu hoạch và xuất - nhập khẩu…

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đang quá chú trọng đến mảng kinh doanh cốt lõi mà chưa quan tâm nhiều đến những dịch vụ gia tăng thêm giá trị cho bạn hàng. Đơn cử như với những doanh nghiệp khai thác kho, chỉ quan tâm một ngày có bao nhiêu CBM (m3) hay có bao nhiêu container vào kho. Nhưng khi khách hàng có nhu cầu dịch vụ khác, dù nhỏ như thay tem, gắn tem thì lại không đáp ứng được. Điều đó làm mất tính cạnh tranh. Hoặc với mảng cảng biển, một số doanh nghiệp chỉ đầu tư thiết bị nâng, hạ nhưng khi có lô hàng siêu trường, siêu trọng thì lại phải thuê các đối tác bên ngoài, mất nhiều thời gian và chi phí. Trong khi đó, chi phí đầu tư cũng không hề lớn.

Mặc dù trong thời gian kết cấu hạ tầng logistics của cả 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường biển, đường sắt, đường thủy nội địa và đường không) được Chính phủ ưu tiên phát triển, nhưng chưa phát triển đồng bộ và còn yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải đa phương thức, phát triển gia tăng của chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics, nhất là đối với hàng nông hải sản, hoa quả tươi xuất khẩu. Đáng chú ý, Việt Nam có 41.900 km đường thủy nội địa nhưng chỉ vận chuyển 17,8% tổng khối lượng hàng hóa. Mặc dù đây là phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu hơn các phương tiện khác nhưng chưa được khai thác nhiều.

Các lý do trên dẫn đến chi phí logistics tại Việt Nam hiện nay cao hơn các quốc gia trong khu vực, chiếm 18% GDP, cao hơn đáng kể so với Thái Lan (8,5%) và các nước phát triển khác (8 - 15%). Trong khi đó, logistics chiếm 30 - 40% chi phí sản xuất - kinh doanh, do đó, hàng hóa Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác.

Phát triển công nghệ và gia tăng dịch vụ giá trị ngành logistics

Mục tiêu phát triển của ngành logistics tới năm 2025 là tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài đạt 50 - 60%, chi phí giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt từ 50 trở lên… Để đạt được mục tiêu trên cần những giải pháp đồng loạt từ nhà nước, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng kết hợp công tư, huy động tối đa nguồn vốn tư nhân như các địa phương đã huy động để phát triển sân bay, đường cao tốc, bến cảng, kho bãi…; phát huy tối đa vai trò của vận tải đa phương thức, vận tải đường thủy nội địa và đường sắt liên vận, khuyến khích hậu cần bền vững với môi trường bằng cách chuyển sang ít sử dụng các-bon hơn.

Các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển công nghệ và bổ sung thêm những dịch vụ giá trị gia tăng. Các giải pháp kho bãi phải thích nghi với sự xuất hiện của các loại hình mới như thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối... Các thiết bị tự động cũng được tích hợp để tăng hiệu quả vận hành như máy phân loại hàng, hệ thống giá kệ cao tầng để tối ưu hóa diện tích khai thác. Với những ưu điểm trên, nhà kho hiện đại đang dần thay thế các hệ thống lưu trữ truyền thống trong ngành logistics; các công nghệ mới như IoT, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đã giúp nâng cao hiệu suất và độ chính xác của hoạt động kho hàng. Các doanh nghiệp cũng cần hướng tới cung cấp dịch vụ logistics trọn gói 3PL, 4PL; đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và các doanh nghiệp chủ hàng.

Các bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần theo dõi sát tình hình quốc tế, khu vực, phân tích, đánh giá kịp thời những tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta; trên cơ sở đó, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó, chỉ đạo điều hành các hoạt động logistics phục vụ tốt hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất - nhập khẩu… Trong đó, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các hợp phần giao thông vận tải trong quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics và phù hợp với các trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất.

Các chính sách thuế, phí, lệ phí, giá dịch vụ cần tiếp tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; đẩy mạnh các hoạt động tạo thuận lợi thương mại, cải cách thủ tục hải quan, giảm và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chuẩn hóa hồ sơ, triển khai các cam kết tại Hiệp định về Thuận lợi hóa thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: