Với trên 50.000 doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu qua các cảng TPHCM, Cục Hải quan TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đỗ Thanh Quang đã chia sẻ về những giải pháp này.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đỗ Thanh Quang (bên phải) chia sẻ, vận động Công ty TNHH Quốc tế Tam Sơn tham gia Chương trình. Ảnh: L.T |
Thưa ông, Hải quan TPHCM là một trong những đơn vị tiên phong ký kết Biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình với doanh nghiệp, đến nay kết quả như thế nào?
Là đơn vị tiên phong triển khai ký kết Biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình với doanh nghiệp ngay từ tháng 9/2022, sau 4 đợt triển khai đánh giá, hiện nay Cục Hải quan TPHCM đang có 17 doanh nghiệp tham gia. Chương trình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, giúp tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua việc nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã tăng mức độ tuân thủ sau khi tham gia Chương trình.
Cụ thể, có 4/17 doanh nghiệp tăng mức độ tuân thủ (chiếm khoảng 23,5%) và 11 doanh nghiệp giữ nguyên mức độ tuân thủ ở mức cao (khoảng 64,7%). Dưới sự đồng hành và hỗ trợ của cơ quan Hải quan, tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa cải thiện rõ rệt giúp các doanh nghiệp thành viên tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan. Đối với phân luồng tờ khai nhập khẩu, tỷ lệ luồng Xanh tăng 6,16%, luồng Vàng giảm 5,61%, luồng Đỏ giảm 0,55%. Tình hình về tỷ lệ phân luồng Xanh trong xuất khẩu tăng 14,42%, luồng Vàng giảm 13,73%, luồng Đỏ giảm 0,69%.
Đạt được kết quả trên, Cục Hải quan TPHCM đã triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình, thưa ông?
Có thể nói, để đạt được những kết quả nêu trên, Cục Hải quan TPHCM đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động gửi các doanh nghiệp tham gia và thông báo định kỳ về tình hình hoạt động XNK, tình hình vi phạm pháp luật hải quan và đưa các khuyến nghị tác động đến mức độ tuân thủ của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả tuân thủ của doanh nghiệp, đồng thời Cục Hải quan TPHCM đã triển khai tuyên truyền thông qua nhiều hình thức nhằm khuyến khích, vận động doanh nghiệp tham gia.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng triển khai xác nhận tư cách thành viên trên Hệ thống VNACCS/VCIS, Hệ thống thông tin quản lý rủi ro (CRMS) và gửi danh sách các doanh nghiệp tham gia cho tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao sự hỗ trợ cho doanh nghiệp thành viên. Các đơn vị cũng bố trí số điện thoại đường dây nóng riêng để thực hiện giải đáp vướng mắc kịp thời về thủ tục hải quan trong 24 giờ kể từ khi tiếp nhận yêu cầu, đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp thành viên.
Tại các chi cục, đơn vị bố trí cửa ưu tiên, biển chỉ dẫn để kiểm tra hồ sơ, đồng thời phân công công chức có trình độ để kiểm tra hồ sơ, hàng hóa doanh nghiệp tham gia Chương trình; các đơn vị được sự chỉ đạo của lãnh đạo trong việc phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng bố trí khu vực riêng để các doanh nghiệp thành viên thuận tiện nhận hàng. Đặc biệt, bố trí, phân công lãnh đạo chi cục, công chức theo dõi, đôn đốc thực hiện theo các yêu cầu của các đơn vị đầu mối về việc hỗ trợ doanh nghiệp thành viên.
Tờ khai hải quan của doanh nghiệp đều được phân cho các công chức có trình độ nghiệp vụ cao thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp; tạo điều kiện để thông quan hàng nhanh chóng. Nếu có trường hợp phát sinh, các chi cục cũng rất chủ động đề xuất các phương để xử lý kịp thời cho doanh nghiệp hoặc báo cáo lên cấp trên đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.
Là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện Chương trình, ông đánh giá thế nào về Chương trình này?
Với những kết quả đã đạt được, Chương trình nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp khi được hưởng các lợi ích trong việc được giảm tỷ lệ kiểm tra, hỗ trợ làm thủ tục hải quan thuận lợi, chủ động phòng tránh các vi phạm trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp đều nhận thấy, việc tham gia Chương trình đưa quan hệ đối tác giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp trở thành đối tác tin cậy, các doanh nghiệp không ngừng lan tỏa những lợi ích của Chương trình đến với các đối tác, doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác. Đồng thời, cũng giúp doanh nghiệp trong việc quản lý, kiểm soát tình hình hoạt động XNK của doanh nghiệp, chủ động phòng tránh vi phạm. Đây chính là yếu tố tiên quyết để nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Mặc dù chưa bố trí khu vực riêng theo yêu cầu của Chương trình, tuy nhiên các doanh nghiệp khi gặp vướng mắc cần hỗ trợ, đều được cơ quan Hải quan ưu tiên hỗ trợ. Đó cũng là một trong số những chính sách tạo thuận lợi của Chương trình.
Cục Hải quan TPHCM sẽ mở rộng Chương trình như thế nào sau thời gian thực hiện thí điểm, thưa ông?
Ngành Hải quan đặt ra yêu cầu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia Chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình); sau 5 năm thực hiện Chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Để đạt được mục tiêu trên, cần phải áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý điều hành nhằm cải cách hiện đại hóa phương thức làm việc. Theo đó, cần nghiên cứu và phát triển một phần mềm riêng về Chương trình để tương tác giữa Hải quan và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho phép doanh nghiệp thành viên có thể tự tra cứu các thông tin đang được cơ quan Hải quan cung cấp theo từng quý tại thông báo định kỳ thông tin về tình hình hoạt động của công ty như: Số lượng tờ khai, loại hình, kim ngạch, mức độ và nguyên nhân doanh nghiệp xếp vào mức độ tuân thủ hiện tại... Điều này không những giúp cho doanh nghiệp có thể kịp thời kiểm soát hạn chế rủi ro trong nội bộ doanh nghiệp mà còn chủ động điều chỉnh, khắc phục các sai sót, vi phạm thông qua trong việc thực hiện thông báo định kỳ cho doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Theo haiquanonline