Cần nội luật hóa quy định để phát huy hiệu quả khi mở rộng cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan

0
BỞI Trang Thông Tin Điện Tử Xuất Nhập Khẩu IMEX NEWS

Theo cơ quan Hải quan, để phát huy được hết mục đích của việc mở đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 trở thành lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền cần phải nội luật hóa các quy định để đảm bảo yêu cầu quản lý cũng như tuân thủ pháp luật.

Hoạt động thông quan qua tuyến đường chuyên dụng tại cửa khẩu Tân Thanh. 	Ảnh: H.Nụ
Hoạt động thông quan qua tuyến đường chuyên dụng tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: H.Nụ

Cơ sở pháp lý

Ngày 11/10/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 89/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019, trong đó có kết luận tại điểm thứ 13 về việc mở đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Theo đó. Chính phủ thống nhất chủ trương mở đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua khu vực mốc 1088/2-1089 trở thành lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Chính phủ giao các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, NN&PTNT, Y tế và các bộ có liên quan phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện quản lý nhà nước, thực hiện nghiêm túc Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc, Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc, thực hiện Nghị định 112/2014/NĐ-CP và các quy định liên quan không để xảy ra tình trạng buôn lậu, thẩm lậu, gian lận thương mại qua khu vực lối thông quan.

Thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, ngày 5/11/2019, Bộ Ngoại giao đã có công hàm số 802/NG-UBBG thông báo Việt Nam đã hoàn tất thủ tục nội bộ, đồng ý mở đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, cho phép người điều khiển có thẻ cư dân biên giới và phương tiện vận chuyển hàng hóa được phép qua lại và hủy bỏ chức năng XNC phương tiện và hàng hóa tại đường qua lại Tân Thanh - Pò Chài.

Ngày 16/12/2019, Bộ Ngoại giao tiếp tục có Công hàm số 961/BNG-UBBG đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội tiếp tục thúc đẩy cơ quan chức năng phía Trung Quốc sớm có ý kiến chính thức để đưa lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua mốc 1088/2-1089 vào vận hành chính thức. Bộ Ngoại giao cũng đề nghị phương tiện vận tải của mỗi bên được vào lãnh thổ của nhau trong khu vực biên giới để giao nhận hàng hóa XNK.

Đến ngày 22/9/2023, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có Công hàm số 21/2023 thông báo đã chuẩn bị xong các điều kiện để mở rộng cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị Quan đến 2 lối mở Pò Chài và Lũng Nghịu và đề nghị Việt Nam làm tốt công tác chuẩn bị cho cửa khẩu vận hành. Trung Quốc cũng đề nghị Việt Nam có công hàm phúc đáp xác nhận và kể từ ngày Việt Nam có công hàm phúc đáp, sẽ chính thức mở rộng cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.

Hiện hai bên tạm thời thống nhất gia hạn hoạt động tuyến đường này đến ngày 31/12/2023 (theo Công hàm số 132/2023 của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội), với cơ sở, trang thiết bị và nhân lực đáp ứng các điều kiện sẵn sàng cho việc chính thức vận hành đường chuyên dụng. Như vậy, sau khi Việt Nam có công hàm trả lời phía Trung Quốc thì sẽ đầy đủ cơ sở pháp lý để chính thức vận hành đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Cần quy định cụ thể

Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng, qua rà soát, phạm vi khu vực cửa khẩu Hữu Nghị sau khi chính thức mở rộng đến khu vực mốc 1088/2-1089 theo cam kết quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc cần phải được nội luật hóa đầy đủ để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan. Theo đó, cần phải xác định rõ phạm vi địa bàn hoạt động hải quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và khu vực mốc 1088/2-1089 để có thể triển khai nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Nghị định 01/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 12/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định đoạn đường chuyên dụng khu vực từ mốc 1088/2- 1089 về hướng nội địa khoảng 700m thuộc địa bàn hoạt động hải quan và đã được giao cho Chi cục Hải quan Tân Thanh quản lý. Toàn bộ địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK ở khu vực biên giới của Công ty CP vận tải thương mại Bảo Nguyên đã được Tổng cục Hải quan công nhận tại Quyết định số 350/QĐ-TCHQ ngày 25/2/2020 và đã giao cho Chi cục Hải quan Tân Thanh quản lý (địa bàn hoạt động hải quan theo quy định tại Điều 7 Luật Hải quan).

Trong khi đó, hiện tại, phần lớn tuyến đường chuyên dụng bắt đầu từ mốc 1088/2 đấu nối vào tuyến đường 230A dài khoảng 2,8km không nằm trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan quy định tại phụ lục Nghị định 12/2018/NĐ-CP. Do vậy, để đảm bảo đủ cơ sở pháp lý về phạm vi địa bàn hoạt động hải quan và thực hiện chức năng nhiệm vụ của Hải quan đối với tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thì cần phải bổ sung tuyến đường này vào phạm vi địa bàn hoạt động hải quan.

Cụ thể, bổ sung toàn bộ tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua khu vực mốc 1088/2-1089 và khu vực lân cận thuộc địa bàn hoạt động hải quan. Đồng thời, xác định lại địa bàn hoạt động hải quan thuộc cửa khẩu Tân Thanh làm cơ sở để triển khai công tác quản lý về hải quan một cách hiệu lực hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Cũng theo Cục Hải quan Lạng Sơn, hiện nay, Chi cục Hải quan Tân Thanh đang phụ trách địa bàn hoạt động tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh theo Nghị định 12/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, một phần của tuyến đường chuyên dụng qua khu vực mốc 1088/2-1089 và địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa XNK của Công ty vận tải thương mại Bảo Nguyên sẽ thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu nghị sau khi được chính thức mở rộng. Do đó, Cục Hải quan Lạng Sơn đề xuất tiếp tục giao Chi cục Hải quan Tân Thanh thực hiện công tác quản lý về hải quan đối với toàn bộ tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và các địa điểm tập kết kiểm tra hàng hóa XNK được Tổng cục Hải quan công nhận trong khu vực mở rộng này.

Được biết, hiện mới chỉ có Nghị định 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 112/2014/NĐ-CP quy định: “Lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở để XNK hàng hóa, vật phẩm hoặc cho các trường hợp qua lại biên giới khác theo thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước láng giềng có chung cửa khẩu”.

Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có văn bản thỏa thuận chính thức giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc về các loại hàng hóa, vật phẩm được XNK và các trường hợp qua lại biên giới khác qua tuyến đường chuyên dụng. Hiện hàng hóa XNK qua tuyến đường chuyên dụng đang thực hiện thủ tục hải quan theo chính sách đối với hàng hóa XNK qua cửa khẩu phụ Tân Thanh, do vậy chưa phát huy được hết mục đích của việc mở đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.

Nhằm phát huy hết lợi thế của đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua khu vực mốc 1088/2-1089, Cục Hải quan Lạng Sơn kiến nghị cần nội luật hóa các cam kết quốc tế về việc mở rộng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đến các khu vực mốc 1088/2-1089. Trong đó, Cục Hải quan Lạng Sơn kiến nghị Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo Chính phủ cho phép áp dụng chính sách quản lý hoạt động XNK hàng hóa qua tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa mốc 1088/2-1089 như chính sách áp dụng đối với cửa khẩu quốc tế; sớm ban hành văn bản thỏa thuận chính thức giữa chính phủ hai nước về các loại hàng hóa, vật phẩm được XNK và các trường hợp qua lại biên giới khác qua tuyến đường chuyên dụng để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: