Để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp, củng cố các thị trường lớn truyền thống;mở rộng thị trường mới.
Sáng 5/8, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã thông tin về tình hoạt động công nghiệp, thương mại trong 7 tháng năm 2024 và nêu ra những giải pháp thúc đẩy phát triển xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, 7 tháng năm 2024 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 440 tỷ USD, tăng 17,1 % so với cùng kỳ; trong đó, hoạt động xuất khẩu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ ở tất cả các thị trường và nhập khẩu ước đạt gần 213 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
“Điểm mừng là hầu hết nhóm hàng hóa nhập khẩu đều là nguyên liệu cho các ngành sản xuất, vì thế, dự báo hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong những tháng cuối năm của nước ra tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nêu rõ trong 7 tháng năm 2024, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu hơn 14 tỷ USD, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tích cực hơn, tăng khoảng 1,8 lần so với mức tăng của các doanh nghiệp ngoài nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây cũng là tín hiệu mừng cho thấy doanh nghiệp trong nước đã từng bước tiếp cận được với chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024. Ảnh: VGP |
Bên cạnh điểm sáng về hoạt động xuất nhập khẩu, 7 tháng năm 2024 công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cũng đã và đang được các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương tập trung triển khai, vừa khai thác tốt thị trường truyền thống, vừa tích cực mở rộng sang các thị trường mới, đặc biệt là thị trường khu vực châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu và Tây Á...
Trước đó, báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, trong 7 tháng, xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số. Đơn cử, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ ước đạt 66,09 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 7,2%; thị trường EU ước đạt 29,34 tỷ USD, tăng 15,8%; Hàn Quốc ước đạt 14,39 tỷ USD, tăng 9%; Nhật Bản ước đạt 13,46 tỷ USD, tăng 2,8%.
Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2024 ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê cho thấy, chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 7 tháng năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch ước đạt 189,3 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh để phục vụ cho các đơn hàng mới được ký kết.
Với kết quả trên, tính chung 7 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD), trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.
Dù vậy, trong những tháng cuối năm, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI, cùng đó một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật.
Để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung vào củng cố các thị trường lớn truyền thống; mở rộng các thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp chẩn bị điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường tiềm năng và điều tra chống bán phá giá đối với hàng Việt Nam…
Cùng với các giải pháp nêu trên, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho các hiệp hội, doanh nghiệp.
Theo Báo Công Thương